Multimedia Đọc Báo in

Kết nối nguồn lực khởi nghiệp

07:11, 27/01/2020

Từ năm 2016, khi Chính phủ chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp, Đắk Lắk đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này cũng như tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh với quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối nguồn lực thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển. 

Nỗ lực phát triển hệ sinh thái khới nghiệp

Bước qua năm 2019, dấu ấn nổi bật trong hoạt động khởi nghiệp để lại trên địa bàn tỉnh là sức lan tỏa mạnh mẽ từ “Ngày hội khởi nghiệp” tỉnh Đắk Lắk lần thứ 1 diễn ra vào tháng 10-2019. 70 gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp với hơn 230 sản phẩm đến từ các startup trong và ngoài tỉnh đã thể hiện được tâm huyết, khát vọng và ước mơ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Với một chuỗi các hoạt động ý nghĩa và thiết thực, Ngày hội không chỉ truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân mà còn góp phần tạo động lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tiến tới tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành môi trường kinh doanh năng động và sáng tạo tại tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị  (thứ hai từ trái sang) và các đại biểu tìm hiểu các sản phẩm khởi nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị (thứ hai từ trái sang) và các đại biểu tìm hiểu các sản phẩm khởi nghiệp.

Có thể nói, trong thời gian qua, hơn bao giờ hết, làn sóng khởi nghiệp đang phát triển lớn mạnh, phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa trên cả nước. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng một quốc gia khởi nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi sự kinh doanh trên địa bàn tỉnh như: thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp; đưa vào vận hành không gian làm việc chung về khởi nghiệp của tỉnh; ra mắt Công ty Cổ phần Vườn ươm doanh nghiệp để kết nối, ươm tạo các “hạt giống” khởi nghiệp; vận hành Cổng thông tin khởi nghiệp và trang fanpage Đắk Lắk Startup…

Bên cạnh đó, để thúc đẩy sự liên kết và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, UBND tỉnh cùng các Sở, ngành, đơn vị đã tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo, chương trình, khóa đào tạo tập huấn liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, để truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. Nhiều sản phẩm, ý tưởng khởi nghiệp đã kết nối được thị trường nhờ các hoạt động giới thiệu, quảng bá tại các hội nghị, hội chợ… trong và ngoài nước. 

“Shark” Nguyễn Hòa Bình, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech, người được xem là bạn “tri kỷ” của các startup Việt đánh giá, Đắk Lắk là một trong số ít những địa phương đã và đang dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây chính là bước ươm tạo và là nền tảng vững chắc để các startup có thể hiện thực hóa các ước mơ, ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. 

Startup Hoàng Danh Hữu (thứ hai từ phải sang) giới thiệu về nhãn hiệu cà phê sôcôla, ca cao Miss Ede mới được ra mắt.
Startup Hoàng Danh Hữu (thứ hai từ phải sang) giới thiệu về nhãn hiệu cà phê sôcôla, ca cao Miss Ede mới được ra mắt.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Huỳnh Văn Tiến cho biết, một cột mốc đáng nhớ khác trong hoạt động khởi nghiệp năm 2019 là Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk với Công ty Cổ phần quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM).

Đồng thời, tỉnh đã công bố, ra mắt 15 nhà đầu tư thiên thần sẽ đồng hành cùng các dự án khởi nghiệp của tỉnh trong thời gian tới. Từ đây, các startup sẽ có cơ hội nhận được các nguồn vốn đầu tư, gói tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, chương trình tập huấn, đào tạo chuyên sâu và cả cơ hội được ươm tạo, huy động vốn để trở thành những doanh nhân, doanh nghiệp tương lai. Và 15 nhà đầu tư thiên thần chính là nơi nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo, giúp các startup kết nối giao thương và hiện thực hóa các ước mơ, ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Những "hạt giống" trong phong trào khởi nghiệp

Tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Tài chính ngân hàng, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Sơn (SN 1991), ở thôn 6A, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc từng có công việc ổn định nhưng đã quyết định từ bỏ công việc Nhà nước đang làm để thỏa mãn đam mê làm trà trái cây từ quả mãng cầu xiêm. Anh mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua máy móc và các thiết bị phục vụ chế biến trà mãng cầu. Đến nay, Sơn đã tạo dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm trà mãng cầu của mình và đang dần định hình khách hàng mục tiêu trên thị trường trong nước. Dự án “Chế biến trà mãng cầu” của anh đã đạt giải Ba trong cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh lần đầu tiên của tỉnh tổ chức năm 2018. Cuộc thi cũng đã mở ra cho thương hiệu “Trà mãng cầu Nguyễn Văn” những cơ hội mới trong tiếp thị quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường. 

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk.
 
“Mục tiêu của tỉnh là thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh trên địa bàn, từng bước hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 nâng cấp hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh lên cấp độ 2 (hệ sinh thái cơ bản)”.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nguyễn Tuấn Hà

Anh Hoàng Danh Hữu (SN 1990) vốn có công việc ổn định với vai trò giám đốc kinh doanh chi nhánh cho một tập đoàn đa ngành của Mỹ, nhưng anh vẫn luôn trăn trở với câu chuyện nông sản Tây Nguyên. Và rồi, sau một thời gian ấp ủ, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nông trại Ede của anh Hữu ra đời với mục tiêu kết nối các nông sản đặc trưng của Tây Nguyên đến người tiêu dùng.

Tháng 10-2018, cửa hàng Ede Farm của Hoàng Danh Hữu đi vào hoạt động tại địa chỉ 32 Ngô Quyền, TP. Buôn Ma Thuột với các nông sản đặc trưng của Tây Nguyên được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, globalGAP như: cà phê, ca cao, mắc ca, hồ tiêu, rau củ, quả sấy...

Ngoài việc mở rộng mạng lưới cửa hàng ở các tỉnh thành trong nước, tháng 9 - 2019 đánh dấu bước phát triển quan trọng khi anh cho ra mắt nhãn hiệu Miss Ede tại Buôn Ma Thuột, ký kết hợp tác hiệu quả với các doanh nhân trẻ cùng chí hướng. Miss Ede - nhãn hiệu dành cho các mặt hàng chế biến từ nông sản sạch Đắk Lắk, bắt đầu từ cà phê bột và sôcôla.

Chuỗi cửa hàng Ede Farm do anh Hữu gây dựng tới nay đã thu hút 350 mặt hàng nông sản sạch từ nông dân Tây Nguyên, trong đó có các sản phẩm khởi nghiệp như: Mắc ca Nguyên Phương, Cốm nghệ Huvahi, Tinh dầu Bmec… Năm 2019, cà phê và sôcôla Miss Ede đã vinh dự được lãnh đạo tỉnh chọn làm quà đặc sản quảng bá kinh tế, văn hóa Đắk Lắk tại Hoa Kỳ. 

Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương Nguyễn Thị Thu Phương kiểm tra sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương Nguyễn Thị Thu Phương kiểm tra sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là một startup trưởng thành từ Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vào tháng 8-2018, chị Nguyễn Thị Thu Phương ở thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng đã kêu gọi thành công số vốn đầu tư 5 tỷ đồng tại Vòng chung kết Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam mùa thứ ba năm 2019. Đề án Mắc ca Đắk Lắk Nguyên Phương của chị cũng là đề án duy nhất gọi vốn thành công trong 3 đề án của tỉnh lọt vào chung kết.

Hiện nay, ngoài phân phối ở thị trường trong nước, sản phẩm Mắc ca Đắk Lắk Nguyên Phương đã mở rộng thị trường ra nước ngoài. Doanh thu của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương đã tăng từ 5 tỷ đồng (năm 2018) lên hơn 10 tỷ đồng (năm 2019). Chia sẻ về thành công ngày hôm nay, chị Phương cho rằng ngoài ước mơ và quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình thì thời gian qua các sở, ban, ngành của tỉnh đã dành sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn cho các startup như Phương.

Từ những điều kiện thuận lợi mà tỉnh đã dành để ươm tạo và nuôi dưỡng những hạt giống khởi nghiệp mà ngày hôm nay Mắc ca Đắk Lắk Nguyên Phương mới có thể “nảy mầm” và vươn ra thị trường một cách mạnh mẽ.

Lê Hương - Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.