Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập khá từ trồng ổi hữu cơ và nuôi ốc bươu đen

09:03, 15/12/2020

Năm 2015, anh Vũ Văn Dần (thôn 8b, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) đến tỉnh Long An tìm hiểu và mua 20 cây ổi lê Đài Loan, ổi ruột đỏ về trồng thử nghiệm trong vườn tiêu của gia đình.

Nhận thấy đây là giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và cho năng suất, chất lượng cao, năm 2017, anh Dần tiếp tục nhân rộng, đưa vào trồng hơn 800 cây ổi. Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm đi làm thuê cho các chủ vườn ở các tỉnh miền Tây nên anh áp dụng hiệu quả kỹ thuật chăm sóc vào vườn cây của gia đình mình.

Hiện nay vườn ổi của gia đình anh được canh tác theo hướng hữu cơ. Cây trồng được anh bón bằng loại phân bón ủ từ phân cá với chế phẩm sinh học nhằm cung cấp lượng đạm hữu cơ, giúp đất tơi xốp, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển mạnh, lá xanh dày bóng mượt, cho năng suất cao. Bên cạnh đó, anh còn tận dụng nguồn phân hữu cơ được ủ từ phân bò, vỏ cà phê, cây đậu với chế phẩm men vi sinh Trichoderma để bón thúc cho cây. Anh Dần chia sẻ, thời kỳ ổi ra hoa phải chăm sóc, bón phân đúng định kỳ, đặc biệt là giai đoạn mới ra hoa, thường xuyên phải vun xới gốc cho đất tơi xốp và thường xuyên tưới nước để cây phát triển. Khi trái được 10 - 15 ngày thì dùng túi bọc chuyên dụng để bọc trái nhằm hạn chế sâu bệnh. Hiện nay vườn ổi 800 gốc của gia đình anh Dần mỗi năm ra trái 3 đợt, mỗi đợt thu từ 3 - 3,5 tấn, giá ổi ở mức 10.000 – 12.000 đồng/kg; mỗi lứa ổi sau khi trừ chi phí cho thu nhập hơn 25 triệu đồng.

Anh Dần  kiểm tra  ốc giống.
Anh Dần kiểm tra ốc giống.

Không dừng lại ở đó, tháng 2-2020, sau một chuyến về quê Thái Bình thăm bà con, anh Dần thấy mô hình nuôi ốc nhồi hay còn gọi là ốc bươu đen của một số nông dân cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tìm hiểu, anh quyết định mua 3 vạn con giống về nuôi trên diện tích bể hơn 100 m2. Anh Dần cho biết, khi thả giống, ốc con còn bé hơn đầu đũa, nhưng chỉ sau 3 tháng chăm sóc, ốc đã gần đạt trọng lượng là 20 con/kg. Chi phí nuôi ốc khá rẻ, hầu như không mất tiền mua thức ăn vì chỉ cần thả thêm bèo tấm, bèo cái; đồng thời tận dụng rau, quả phụ phẩm nông nghiệp bị hư thối như chuối, mít, mướp… để ốc ăn. Sau 7 tháng chăm sóc, ốc bố mẹ bắt đầu sinh sản và ấp nở trong thùng xốp. Vừa qua, anh đã bán được 1 vạn con giống, với giá bán 500 đồng/con cho các hộ dân quanh vùng nuôi. Anh Dần dự định sắp tới sẽ mở rộng diện tích bể nuôi, đồng thời thành lập tổ hợp tác liên kết các hộ nuôi ốc và bao tiêu đầu ra cho bà con, hướng đến thị trường tiêu thụ ốc nhồi đầy tiềm năng trong và ngoài huyện.

Hiện nay, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình kinh tế từ trồng trọt và chăn nuôi của gia đình anh Dần mang lại nguồn thu hơn 300 triệu đồng.

Hoài Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.