Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện khoanh, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp

11:35, 14/12/2020

Ngành thuế tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14, ngày 26-11-2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (Nghị quyết 94).

Nghị quyết 94 quy định rõ 7 đối tượng còn nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1-7-2020 không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ được khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp.

Cán bộ ngành thuế kiểm tra việc khai thác cát tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc.
Cán bộ ngành thuế kiểm tra việc khai thác cát tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Cụ thể, người nộp thuế là người đã chết, Tòa án tuyên bố đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan chức năng để làm thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể; người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc đã bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định; người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế; người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép hành nghề theo quy định; người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn NSNN, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán.

 

Là đơn vị chủ lực trong thực hiện Nghị quyết 94 tại địa phương, Cục Thuế tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan phối hợp rà soát, xác minh tình trạng hoạt động, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ của những trường hợp được áp dụng theo quy định.

Ông Ngô Việt Hồng, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 94; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành thực hiện việc rà soát hồ sơ, phân loại nợ, xác định đối tượng cụ thể theo từng trường hợp. Đồng thời phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức xác minh nhân thân, tài sản, tình trạng hoạt động của người nộp thuế, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền. Cùng với đó là bảo đảm điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục, công khai, minh bạch; bảo đảm việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, giám sát của người dân. Đặc biệt là tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc cố tình chây ỳ, nợ thuế. Qua rà soát, theo quy định tại Nghị quyết 94, toàn tỉnh có hơn 12.790 trường hợp, với số tiền 500 tỷ đồng.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh hướng dẫn người nộp thuế thực hiện các thủ tục liên quan.
Cán bộ Cục Thuế tỉnh hướng dẫn người nộp thuế thực hiện các thủ tục liên quan.

Theo ông Ngô Việt Hồng, ngoại trừ trường hợp cố tình chây ỳ nộp thuế, thì hầu hết các khoản nợ thuế phát sinh đều do yếu tố khách quan, như: người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc do doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể, phá sản, bị thiên tai, bất khả kháng...

Thế nên khi thực hiện Nghị quyết 94, các khoản nợ đọng được xóa bỏ sẽ giúp người thừa kế không còn bị liên đới trách nhiệm nợ thuế, giúp người góp vốn, người đại diện pháp luật được giải phóng nghĩa vụ pháp lý, tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh khác đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đối với cơ quan quản lý thuế, việc xử lý nợ thuế sẽ giúp bảng cân đối ngân sách được rõ ràng và minh bạch hơn.

Cơ quan quản lý và cán bộ quản lý thuế giảm thời gian theo dõi, quản lý những khoản nợ thuế không còn đối tượng thu, dành thời gian tập trung quản lý các khoản nợ mới và gia tăng công tác thanh, kiểm tra, đôn đốc thu để phòng chống các khoản nợ đọng mới phát sinh. Bởi việc xử lý nợ thuế đòi hỏi nhiều thời gian, công sức đi đôn đốc nhiều lần... đặc biệt là nợ thuế kéo theo khoản tiền phạt chậm nộp theo quy định khiến tổng số nợ thuế "phình ra".

Tính đến hết tháng 11-2020, ngành thuế tỉnh đã ban hành các quyết định khoanh nợ theo đúng quy định với tổng số tiền 295,6 tỷ đồng, đạt 139,8% chỉ tiêu giao năm 2020; rà soát, tổng hợp hồ sơ xóa nợ thuế để thẩm định với số tiền 180 tỷ đồng, đạt 103% chỉ tiêu giao năm 2020.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.