Multimedia Đọc Báo in

Khuyến nông Ea Kar: Đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất

06:19, 12/03/2021

Xác định khoa học kỹ thuật là chìa khóa để phát triển nông nghiệp những năm qua huyện Ea Kar đã nỗ lực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán, cách thức sản xuất của người dân địa phương.

Xã Ea Sô là một trong những xã khó khăn của huyện. Nhiều năm liền người dân ở đây loay hoay với bài toán giảm nghèo bởi vùng đất này cằn cỗi, đất pha cát, khó khăn về nguồn nước tưới nên sản xuất nông nghiệp rất bấp bênh. Nhằm hỗ trợ nông dân tìm hướng phát triển kinh tế, Trạm Khuyến nông huyện đã lựa chọn xã Ea Sô đầu tư mô hình ổi xen canh cam.

Chị Hoàng Thị Lan Hồng (ở thôn 5), người trực tiếp thực hiện mô hình cho biết, đất pha cát quanh năm trồng luân phiên ngô, đậu, sắn, mía… nhưng không có nước tưới nên mùa được, mùa mất, may mắn cũng chỉ đủ ăn. Khi hay tin, gia đình mình là một trong những hộ được chọn thực hiện mô hình ổi xen canh cam, cả nhà đều phấn khởi.

Vườn ổi xen cam của gia đình chị Hoàng Thị Lan Hồng bắt đầu cho thu hoạch ổn định.
Vườn ổi xen cam của gia đình chị Hoàng Thị Lan Hồng bắt đầu cho thu hoạch ổn định.

Vườn cây được thực hiện vào tháng 8-2019 với 300 cây ổi lê Đài Loan xen canh 200 cây cam xoàn, cam sành trên diện tích hơn 1 ha. Để duy trì thu nhập những năm đầu, gia đình chị Hồng vẫn trồng ngô, ớt xen canh nhằm hạn chế xói mòn đất mùa mưa, giữ nước mùa khô; cán bộ khuyến nông theo sát hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên vườn cây sinh trưởng tốt. So với các loại cây trồng khác, trồng cam, ổi nhàn hơn, chỉ cần đầu tư giống lần đầu còn những năm tiếp theo chú trọng khâu bón phân, chăm sóc đúng kỹ thuật; ứng dụng tưới phun mưa tự động tiết kiệm nước, nhân công, chủ động thời gian tưới, sử dụng nước hiệu quả…

Riêng cây ổi, sau 6 tháng trồng đã ra trái nhưng gia đình chị Hồng cắt bỏ hết để dưỡng cây, đủ 14 tháng mới bắt đầu đi vào kinh doanh chính thức, đến nay đã thu được gần 2 tấn ổi. Đặc biệt, giống ổi chuẩn nên chất lượng quả ổi thơm, giòn, ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng, thậm chí người dân còn tìm đến tận vườn tham quan và đặt hàng lâu dài với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Tương tự, công việc chăn nuôi bò vỗ béo của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyền (ở thôn 10, xã Ea Sar) cũng phát triển khi có sự trợ lực của Trạm Khuyến nông huyện. Ông Tuyền nuôi bò hàng chục năm nay nhưng đến khi được cán bộ khuyến nông huyện hỗ trợ giống cỏ VA06 và kỹ thuật, ông mới chuyển sang nuôi bò ngoại vỗ béo. Ông Tuyền cho hay, giống bò ngoại đòi hỏi vốn đầu tư lớn, kỹ thuật chăm sóc cao, chế độ dinh dưỡng gấp nhiều lần bò cỏ địa phương nên khi được hỗ trợ thêm để mở rộng diện tích đồng cỏ lên hơn 1 ha và kỹ thuật chăm sóc ông mới quyết định chuyển đổi. Đầu năm 2020, gia đình đầu tư chuồng trại nuôi 27 con bò nhập ngoại giống 3B, Charolais Pháp, bò lai Sind... với giá 30 - 35 triệu đồng/con. Để bò phát triển ổn định thì thức ăn ngoài cám viên, cỏ VA 06 gia đình ông còn nấu 4 nồi cháo gạo (50 lít/nồi) cho bò ăn; tắm cho bò 1 lần/ngày; xử lý và sử dụng triệt để phân bò bón cho vườn cỏ… Đến nay, gia đình đã bán được 6 bò con với giá từ 55 - 65 triệu đồng/con (tùy trọng lượng), sau khi trừ chi phí lời khoảng 1 triệu đồng/con/tháng.

Mô hình trồng cỏ VA 06 của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyền (bên phải) thu 45 ngày/lứa, mỗi lứa có năng suất hơn 100 tấn/ha.
Mô hình trồng cỏ VA 06 của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyền (bên phải) thu 45 ngày/lứa, mỗi lứa có năng suất hơn 100 tấn/ha.

Ngoài ra, mô hình thâm canh cây sắn bền vững (quy mô 14 ha) tại 16 hộ dân ở thôn 8 (xã Ea Păl) đang phát triển tốt, năng suất dự kiến đạt trên 30 tấn/ha; mô hình trồng giống mía mới, áp dụng kỹ thuật thâm canh, liên kết với nhà máy tiêu thụ mía nguyên liệu (tỉnh Khánh Hòa) trên diện tích 5 ha tại xã Ea Sô đem đến năng suất trên 90 tấn/ha…

Ngoài xây dựng các mô hình điểm, Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar còn đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua đào tạo, tập huấn cho người dân địa phương. Năm 2020, huyện tổ chức 20 buổi tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng bè, phát triển đồng cỏ, thâm canh mía cao sản, thâm canh sắn sạch bệnh, phát triển cây ăn quả, nuôi dê sinh sản… cho hơn 800 hộ dân; tổ chức 10 buổi hội thảo đầu bờ cho trên 600 lượt người tham gia. Gần 350 cán bộ khuyến nông cũng được nâng cao năng lực với 9 khóa đào tạo về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; một đợt tham quan, học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng…

Ông Nguyễn Văn Kiên, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện nhấn mạnh, sự ủng hộ, đồng thuận của chính quyền, người dân là một trong những động lực cốt yếu cho công tác khuyến nông tại địa phương. Thực tế, khi đi cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân mới thấy được khát khao thoát nghèo, vươn lên của bà con, đó là động lực để cán bộ khuyến nông vượt khó, đồng hành xuyên suốt quá trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2021, huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học cho người dân dựa trên nhu cầu thực tế thông qua các mô hình được bà con quan tâm nhiều như: vỗ béo bò, nuôi cá lồng bè, nuôi dê nhốt chuồng… Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa khuyến nông trên tinh thần hợp tác với các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp để có thêm nhiều nông dân được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp…

Hiện tại, Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar đang duy trì Chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, cung cấp ni-tơ bảo quản tinh và hỗ trợ khoảng 200 liều tinh; tổ dẫn tinh viên tổ chức phối giống cho gần 2.000 bò sinh sản tập trung chính các dòng bò chất lượng cao BBB, Red, Charolais Pháp…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.