Multimedia Đọc Báo in

Tạo "bệ đỡ" cho nông dân Ea Kar phát triển kinh tế

08:10, 14/04/2021

Tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân theo Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tạo “bệ đỡ” giúp nông dân huyện Ea Kar phát triển kinh tế hiệu quả.

Hỗ trợ theo nhu cầu

Để thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” (sau đây gọi Kết luận 61), Hội Nông dân (HND) huyện Ea Kar đã chỉ đạo các cấp hội rà soát, nắm bắt nhu cầu về vốn, vật tư, khoa học kỹ thuật, định hướng phát triển kinh tế... của nông dân trên địa bàn. Qua đó, HND huyện đã tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ thiết thực cho nông dân có thêm điều kiện vươn lên.

Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Vân ở thôn Suối Cát (xã Xuân Phú), với sự hướng dẫn của HND xã, ông đã xây dựng đề án và được huyện hội cho vay 40 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, xã Xuân Phú hỗ trợ 10 triệu đồng để làm khu chăn nuôi và mua 1 tấn nhân khối trùn quế về nuôi từ cuối năm 2018. Sau gần 3 năm triển khai, mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, trung bình mỗi năm ông Vân thu lãi trên 250 triệu đồng từ bán trùn quế thịt, nhân khối và phân bón trùn quế. Điều đáng nói, từ mô hình này, gia đình ông Vân đã xây dựng được quy trình sản xuất, chăn nuôi khép kín và bền vững bằng việc trồng cỏ, nuôi bò, lấy phân bò làm thức ăn cho trùn quế, phân của trùn quế dùng để chăm sóc 1.000 trụ tiêu và cây ăn quả; đồng thời trùn quế thịt làm thức ăn chăn nuôi gà thịt, ba ba, cá, lươn, cua đồng. Từ sự trợ lực ban đầu của hội, ông Vân đã thành lập trang trại nuôi trùn quế, hỗ trợ giống, chia sẻ kinh nghiệm cho hơn 20 hộ trên địa bàn xã phát triển mô hình này và bao tiêu đầu ra cho các nông hộ.

Ông Nguyễn Văn Vân (thứ hai từ phải sang) ở thôn Suối Cát (xã Xuân Phú) chia sẻ quy trình nuôi trùn quế.
Ông Nguyễn Văn Vân (thứ hai từ phải sang) ở thôn Suối Cát (xã Xuân Phú) chia sẻ quy trình nuôi trùn quế.
“Hằng năm, toàn huyện Ea Kar có hơn 8.000 hộ đạt danh hiệu sản suất kinh doanh giỏi các cấp; 16.410 gia đình hội viên nông dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Từ năm 2010 đến nay, các cấp hội đã vận động hội viên đóng góp trên 49,5 tỷ đồng, hơn 119.300 ngày công, hiến trên 209.200 m2 đất để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đường giao thông, cầu, cống, nhà sinh hoạt văn hóa”.
Chủ tịch HND huyện Ea Kar Dương Văn Thừa

Không chỉ hỗ trợ về vốn, vai trò của HND các cấp trên địa bàn huyện Ea Kar còn được thể hiện qua công tác phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho nông dân. Điển hình như HND xã Ea Sar đã phối hợp tổ chức lớp dạy nghề chăn nuôi heo cho các thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi heo rừng Ea Sar và hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý thành lập Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp chăn nuôi heo rừng Ea Sar từ tháng 6-2018. Chủ tịch HND xã Ea Sar Trần Văn Âm cho biết: "Để hỗ trợ nông dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế, thời gian qua, HND xã Ea Sar đã huy động Quỹ Hỗ trợ nông dân được 40 triệu đồng và tín chấp vay vốn ưu đãi trên 8,2 tỷ đồng cho nông dân đầu tư chăn nuôi bò, heo, chăm sóc cà phê, trồng vải; phối hợp tổ chức 6 lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi; hướng dẫn thành lập 2 hợp tác xã...". 

Phát huy hiệu quả các hoạt động hỗ trợ

Triển khai thực hiện Kết luận 61, huyện Ea Kar đã thành lập ban chỉ đạo cấp huyện và 16 xã, thị trấn; ban hành kế hoạch hoạt động, kiểm tra, giám sát hằng năm. Với vai trò là cơ quan thường trực, HND huyện đã tham mưu, triển khai các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân.

 UBND huyện đã ưu tiên bố trí 950 triệu đồng cho Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện từ nguồn ngân sách cùng với nguồn kinh phí phân bổ của Trung ương, của tỉnh và sự đóng góp của cán bộ, công chức, hội viên nông dân trên địa bàn được tổng nguồn quỹ gần 3,6 tỷ đồng hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, HND các cấp trong huyện đã ủy thác cho hội viên vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 138 tỷ đồng; tín chấp cho nông dân mua 2.549 tấn phân các loại và gần 22.000 cây, con giống với tổng trị giá trên 15,8 tỷ đồng.

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M'Oa, xã Cư Huê thành lập góp phần duy trì nghề dệt truyền thống và phát triển du lịch địa phương.
Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M'Oa, xã Cư Huê thành lập góp phần duy trì nghề dệt truyền thống và phát triển du lịch địa phương.

Nhằm giúp nông dân phát huy hiệu quả vốn vay, 10 năm qua, các cấp HND huyện đã phối hợp tổ chức trên 2.500 buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng; hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị; phối hợp, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hộ trên địa bàn tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị trong và ngoài tỉnh để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương, đơn vị sản xuất xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực... Các cấp hội cũng vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể. Đến nay, toàn huyện đã có 32 hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ, 23 tổ hợp tác, 131 trang trại, 1 hội nông trại, 1 tổ hội nghề nghiệp dệt thổ cẩm xã Cư Huê.

Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 61 huyện Ea Kar Trần Đức Lương cho biết, thực hiện hiệu quả Kết luận 61 không chỉ tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương mà còn phát huy được vai trò của tổ chức hội và hội viên trong tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa và giữ gìn an ninh trật tự địa phương.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.