Multimedia Đọc Báo in

Hành trình lấy hương từ đất

08:19, 25/06/2021

Với niềm đam mê tinh dầu, chị Tống Thị Hoài Phương (SN 1991), thạc sĩ Quản trị kinh doanh đang làm việc tại một công ty ở TP. Hồ Chí Minh với mức lương cao quyết định trở về Đắk Lắk tìm cơ hội phát triển.

Chị Phương cho biết, trên thế giới có trên 284 loại cây lấy tinh dầu, trong đó Việt Nam đã có khoảng 186 loại. Đắk Lắk có điều kiện khí hậu mát mẻ, đất đỏ bazan rộng lớn, màu mỡ rất thuận lợi phát triển nhiều loại cây cho tinh dầu như: sả, chanh, cam, quýt, hương nhu…

Năm 2018 việc phát triển tinh dầu trên địa bàn tỉnh khá rầm rộ, đặc biệt là tinh dầu sả chanh, sả java. Thời điểm này, người dân trên địa bàn tỉnh tập trung trồng cây ăn trái theo hướng Organic, nên chủ động cắt bỏ một phần quả non để phát triển quả chất lượng hơn. Trong khi hàm lượng tinh dầu phần lớn tập trung ở quả non. Do đó, ngoài thu mua tinh dầu thô, chị Phương còn mua các loại quả non mà người dân cắt bỏ về chưng cất tinh dầu rồi xuất bán.

Chị Tống Thị Hoài Phương (bên phải) đang điều chế tinh dầu.
Chị Tống Thị Hoài Phương (bên phải) đang điều chế tinh dầu.
"May mắn có được những đồng nghiệp tài năng, có cùng đam mê mùi hương, Hena sẽ là cầu nối, tập trung đưa sản phẩm tinh dầu tiêu chuẩn ra thị trường. Bên cạnh đó sẽ phát triển đội ngũ kỹ thuật nghiên cứu, chế biến sâu tinh dầu thành các sản phẩm hóa mỹ phẩm có giá trị kinh tế cao hơn, bảo đảm chất lượng hơn cho người tiêu dùng trong và ngoài nước”.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất, thương mại, dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena Tống Thị Hoài Phương

Thời gian đầu việc kinh doanh rất thuận lợi, nhưng tới năm 2019 chị Phương gặp nhiều khó khăn vì không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm tinh dầu bán online giá rẻ, không có nguồn gốc rõ ràng. “Thay vì chạy theo lợi nhuận, tháng 9-2019 tôi và 6 người bạn cùng nhau xây dựng thương hiệu Tinh dầu Hena, phát triển kênh bán lẻ và các chuỗi đại lý, hướng đến những khách hàng có nhu cầu sử dụng tinh dầu bảo đảm chất lượng và lâu dài”, chị Phương cho hay.

Phân phối sản phẩm cho các đại lý phát triển rất tốt nhưng có một khó khăn là nguyên liệu tinh dầu trồng xen canh cho chất lượng mùi hương khác nhau ở mùa mưa và mùa khô. Bên cạnh đó, kỹ thuật chưng cất tinh dầu của các hộ dân không đồng nhất gây ra sự hoang mang cho người sử dụng. Lúc này, chị Phương liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn cam kết sản xuất theo hướng hữu cơ, bao tiêu sản phẩm, nhằm cung cấp tinh dầu chất lượng cao bán ra thị trường. Hiện nay, chị Phương đã liên kết được 10 ha trồng sả tại huyện Ea H’leo; 1.000 ha khu vực bìa rừng để chuẩn bị trồng cây dược liệu, lấy tinh dầu trên địa bàn tỉnh...

Khi đã có được nhân sự cùng đam mê và đủ nguồn nguyên liệu chị Phương mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Sản xuất, thương mại, dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena (HTX) vào tháng 4-2021, với 7 thành viên, do chị làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Sau 3 tháng hoạt động, HTX đã tạo việc làm cho 23 lao động thường xuyên, hơn 100 lao động thời vụ, 1 phòng thí nghiệm dành cho việc nghiên cứu và điều chế sản phẩm. Hiện nay, HTX đã tinh chế hơn 11 sản phẩm tinh dầu thiên nhiên và nhiều sản phẩm khác như: tinh dầu nước hoa, kháng khuẩn, mỹ phẩm… Hiện có nhiều hộ nông dân mong muốn được trở thành thành viên của hợp tác xã.

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất, thương mại, dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena.
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất, thương mại, dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng tinh dầu thiên nhiên, tinh dầu kháng khuẩn của người dân ngày càng nhiều, HTX không chỉ đưa ra các sản phẩm đa dạng phù hợp với thị trường mà còn đẩy mạnh tìm kiếm vùng nguyên liệu mới, xây dựng mô hình khép kín về tinh dầu từ nghiên cứu, cung cấp giống, kỹ thuật canh tác, đầu tư lò nấu, phòng thí nghiệm đạt chuẩn để điều chế sản phẩm chất lượng. Bã phế phẩm sau tinh dầu được điều chế thành dầu gội, sữa tắm, nước lau sàn, giấm ăn… hay ủ thành phân bón hữu cơ, cung cấp cho người dân bón lại ruộng vườn nhằm bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí.

Đồng hành với địa phương trong phòng chống dịch COVID-19, tháng 5-2021 vừa qua, HTX đã phát miễn phí 1.000 chai xịt kháng khuẩn (trị giá trên 55 triệu đồng), cho người dân tại phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột).

Tin vui đến với HTX khi mới đây, Hội LHPN tỉnh cho biết toàn tỉnh có 9 dự án của hội viên phụ nữ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được Trung ương hội LHPN Việt Nam lựa chọn tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng năm 2021, trong đó có Hợp tác xã Sản xuất, thương mại, dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena.

Thùy Dung

 


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.