Multimedia Đọc Báo in

Những "cây cổ thụ" nơi đầu nguồn, bến nước

15:08, 26/12/2013

Già làng, trưởng buôn, người có uy tín luôn đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh nhà, được bà con  gọi bằng cái tên đầy kính trọng mà thân thương: “cây cổ thụ” của buôn làng tỏa bóng chở che, góp phần xây dựng buôn làng giàu đẹp, bình yên…

Người trưởng họ Êđê giữ yên bến nước buôn Kmang

Già làng Y Săn M’lô (người ngoài cùng bìa trái) tham gia buổi hòa giải trong buôn Kmang.
Già làng Y Săn M’lô (người ngoài cùng bìa trái) tham gia buổi hòa giải trong buôn Kmang.

Già làng Y Săn M’Lô (thường gọi là Ai Hiep) được người dân buôn Kmang (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) coi là “người nắm giữ linh hồn” của buôn làng. Cả buôn Kmang có 183 hộ, trong đó 147 hộ là người Êđê với 6 dòng họ: M’Lô, Niê, Ksơr, Kpă, Kbuôr, RhLan. Già Y Săn được bà con tôn làm trưởng họ của buôn, là người chăm lo đời sống tinh thần, tâm linh như lễ cúng bến nước, ma chay, hội mùa… và giải quyết những mâu thuẫn nếu có trong buôn. Già Y Săm nhận “chức” già làng, khi mới hơn 60 tuổi đến nay đã tròn 7 năm. Anh Y Roh Niê, Bí thư chi bộ buôn cho biết: “Nhờ uy tín và trách nhiệm cao của già làng mà chi bộ, chính quyền buôn thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như giữ gìn mối đoàn kết, gắn bó giữa các dòng họ, dân tộc trong buôn làng.” Những thành viên trong gia đình Ma Khai vẫn thường nhắc đến Ai Hiep với tấm lòng đầy biết ơn, mến phục: “Không có già khuyên nhủ lời hay, lẽ phải có tình, có lý thì giờ này mẹ con, chị em trong gia đình mình đâu có hòa hợp, yên ấm như thế này”. Đó là câu chuyện của 2 năm về trước, khi Ma Khai chia đất rẫy cho 2 người con gái đã lập gia đình nhưng vì “không công bằng” nên xảy ra tranh chấp quyết liệt, hết kiện cáo ra chính quyền lại “tự xử”… Được tin đó, già làng Ai Hiep bằng sự hiểu biết về pháp luật cộng với luật tục của buôn, quy ước của dòng họ và với uy tín, tình cảm của mình đã hòa giải thành công, mọi người hiểu ra, gia đình lại hòa thuận. Đó chỉ là một trong số hơn 200 vụ, việc tranh chấp, kiện cáo, mất trật tự, mâu thuẫn gia đình, dòng họ… mà suốt 7 năm qua Già đã tham gia vận động, hòa giải. Ngoài ra, Già còn tâm huyết trong công tác vận động khuyến học, các con của Già được học hành chu đáo, con trai hiện đang là giáo viên. Chính vì vậy trong buôn không có trẻ em hư, thanh niên đều học đến THPT, một số đang theo học Đại học và các trường chuyên nghiệp…

“Đại gia” giữ hồn chiêng M’nông nơi hồ Lak

Già làng Y Tông Driang bên bộ chiêng của mình
Già làng Y Tông Driang bên bộ chiêng của mình.

Cứ ngỡ lạc vào cơ ngơi của một “đại gia” nào đó chứ không nghĩ đó là nhà của vị già làng Y Tông Driang ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lak. Sân rộng phơi đầy cà phê, nhà tòa ngang dãy dọc, đầy đủ các kiểu dáng kiến trúc nhà sàn, nhà trệt, nhà tầng vừa hiện đại vừa giữ nguyên nét truyền thống người dân tộc bản địa M’nông. Năm nay Già 74 tuổi nhưng đã có 14 năm được bà con trong buôn phong giữ danh vị già làng. Đã từng là giáo viên nên già làng buôn Lê có những quan niệm tiến bộ trong việc thuyết phục, vận động bà con, đó là: cần loại bỏ bớt các hủ tục, gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào M’nông, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, sinh đẻ có kế hoạch để nuôi dạy con tốt… Mà muốn bà con thực hiện được những điều đó thì già làng chính là người cần đi đầu để làm gương. Vì vậy, làm giàu, xây nhà to đẹp… không phải để “khoe mẽ” mà để đồng bào trong buôn noi theo. Gia đình Già chỉ có 1ha cà phê và 1ha ruộng lúa, nhưng do thực hiện đúng các quy trình trồng, chăm sóc, thu hái nên đạt năng suất cao. Cả 2 người con của Già đều học hành đến nơi, đến chốn và có công việc ổn định, sự nghiệp thành đạt; được tự quyết trong việc lập gia đình và lựa chọn nơi sinh sống phù hợp, thuận tiện cho sinh hoạt, công việc mà không phải phụ thuộc vào các hủ tục bắt chồng, ở rể…của người M’nông. Đặc biệt, Già rất quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng. Nhà của Già còn lưu giữ 2 bộ chiêng (chiêng núm và chiêng bằng), hằng năm thường tổ chức các lớp dạy đánh chiêng cho lớp trẻ, đồng thời duy trì nhiều dàn chiêng trong các lễ, hội của buôn… Từ những nỗ lực của già Y Tông, 116 hộ (chủ yếu là đồng bào M’nông) trong buôn đã biết chăm sóc cà phê đúng kỹ thuật, biết trồng ngô lai, làm lúa nước 2 vụ, bón phân, làm cỏ đúng cách nên năng suất cao hơn. 10 năm qua số hộ nghèo đã giảm từ 70% xuống còn 20% bà con cũng ăn ở sạch sẽ hơn, xây riêng chuồng trại, nhà vệ sinh, quét dọn đường buôn, ngõ xóm... Buôn của Già là buôn văn hóa và là điểm đến của nhiều tuor du lịch, đặc biệt là dịch vụ du lịch Homestay…

“Kơ nia cổ thụ” J’rai bên dòng Sêrêpôk

Già làng Y Phưn Ksơr bên bến nước bình yên của buôn làng.
Già làng Y Phưn Ksơr bên bến nước bình yên của buôn làng.

Buôn Drăng Phôk nằm yên bình bên dòng Sêrêpôk, là buôn vùng sâu, vùng xa giáp biên giới Campuchia thuộc xã Krông Na (Buôn Đôn). Cả buôn có 102 hộ dân (430 khẩu) với 6 dân tộc anh em J’rai, Êđê, Lào, Kinh, M’nông, Nùng (trong đó chủ yếu là người dân tộc J’rai) cùng sinh sống làm ăn trong tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Lâu nay cả buôn không có người dân nào nghe theo lời kẻ xấu vi phạm pháp luật cũng như tục lệ của buôn. Tuy cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn vì đất đai kém màu mỡ, mùa khô thường gặp hạn hán, mùa mưa thì lũ lụt, nhưng bà con luôn chăm chỉ làm lụng, chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cuộc sống bình yên của buôn làng có phần đóng góp đáng kể của già làng Y Phưn Ksơr (thường gọi là Ama Sí). Năm nay chỉ mới 65 tuổi nhưng Ama Sí đã được bà con tín nhiệm vào vị trí già làng của buôn hơn 10 năm rồi. Già cũng chính là người chủ bến nước, lo lắng hết thảy mọi hoạt động tâm linh, lễ hội của buôn làng. Là người gắn bó với buôn làng từ ngày thành lập, chứng kiến bao đổi thay của buôn làng, sự quan tâm, đầu tư của Đảng, chính quyền các cấp để bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày nay nên Già luôn tuyên truyền, động viên bà con trong buôn chăm lo làm ăn phát triển đời sống. Anh Y Tê  Bkrông, Bí thư chi bộ buôn nói về già Ama Sí với vẻ đầy nể phục: “Già quan tâm, sát sao cuộc sống từng hộ trong buôn, gia đình ai gặp khó khăn, hoạn nạn là Già kịp thời vận động bà con trong buôn đến giúp đỡ, hỗ trợ. Phát hiện ra đối tượng lạ nào trà trộn vào buôn với mục đích xấu hay bà con nào trong buôn có suy nghĩ, hành động lệch lạc là già làng đến tận nhà khuyên nhủ, làm công tác tư tưởng, động viên họ sống tốt hơn. Chính vì vậy không kẻ xấu nào lọt được vào buôn vì bà con sẽ báo ngay cho già làng và chính quyền…”. Già làng Y Phưn thì cứ cười hiền: “Mình yêu bến nước và buôn làng mình lắm nên sẽ làm tất cả để giữ yên bình cho quê hương…”.

“Cây đa” Việt Bắc trên vùng quê mới Thanh Bình

Trưởng Ban tự quản thôn Hà Văn Đẹt (người ngoài cùng bên phải) tham gia khảo sát mở rộng đoạn đường  trong thôn.
Trưởng Ban tự quản thôn Hà Văn Đẹt (người ngoài cùng bên phải) tham gia khảo sát mở rộng đoạn đường trong thôn.

Mới chính thức được thành lập chừng 15 năm mà diện mạo của thôn Thanh Bình (xã Ea Sal - Ea Kar) đã khởi sắc, trù phú và trở thành thôn điển hình trong mọi hoạt động của xã, nổi bật là xây dựng nông thôn mới. Gần 900 nhân khẩu với 191 hộ trong thôn là bà con thuộc 6 dân tộc (Thái, Mường, Dao, Tày, Nùng, Kinh) từ phía Bắc vào sinh sống, lập nghiệp từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Mặc dù bước khởi đầu nhiều khó khăn và với thời gian chưa dài nhưng thôn đã có những bước tiến vượt bậc cả về kinh tế lẫn văn hóa, xã hội, thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/năm, an ninh trật tự ổn định, nhiều tiêu chí của nông thôn mới đã hoàn thành… Có được những thành công đó phải kể đến sự đóng góp của người Trưởng Ban tự quản thôn Hà Văn Đẹt. Với 65 tuổi đời và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ được tôi luyện qua chiến tranh nên hơn ai hết ông hiểu giá trị của cuộc sống và phải sống sao cho xứng đáng. Được dân làng tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban tự quản thôn từ năm 2002, ông Đẹt hết lòng hoạt động vì tập thể. Ông liên hệ với xã mời kỹ sư nông nghiệp về nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, từ đó có hướng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng phù hợp, gieo trồng đúng thời vụ, chăm bón đúng quy trình để đạt năng suất cao. Thấy gia đình ông Đẹt và những người áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt cho kết quả tốt, dần dần bà con đã làm theo và tuân thủ các kế hoạch mà Ban tự quản đưa ra, tùy từng vùng đất mà trồng cây ngắn ngày, trồng lúa hay cà phê, tiêu... Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Ban tự quản thôn đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền, vận động làm cho người dân nhận thức được ý nghĩa của phong trào. Ông Đẹt chia sẻ:“Muốn vận động mọi người cùng tham gia, trước tiên mình phải làm gương, giáo dục con cháu trong gia đình thực hiện”. Không chỉ trực tiếp tham gia đóng góp hàng nghìn ngày công, các hộ dân trong thôn đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để thuê máy móc mua vật tư, cùng với đó là hiến đất để mở thêm nhiều tuyến đường giao thông liên thôn mới với chiều dài hơn 7km, mặt đường rộng 8m. Bên cạnh đó, bà con còn di dời chuồng trại ra xa nhà, xây dựng các công trình phụ hợp vệ sinh, xây dựng thôn xóm ngày một sạch đẹp, văn minh.

Trên đây chỉ là một số trong hơn 1.000 tấm gương tiêu biểu của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Dak Lak - nơi có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống. Họ là những “cây cổ thụ" nơi đầu nguồn, bến nước góp phần to lớn cùng cộng đồng các dân tộc chung tay xây dựng, bảo vệ buôn làng ngày càng giàu đẹp, bình yên…

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.