Multimedia Đọc Báo in

Vươn lên từ đôi nạng gỗ

17:09, 15/05/2016

Sinh ra và lớn lên  ở vùng quê Nam Định, từ khi còn học phổ thông, anh Trần Văn Mẫn đã đam mê nghề thủ công mỹ nghệ, những lúc rảnh rỗi anh thường lân la đến xem các nghệ nhân trong làng làm nghề.

Năm học lớp 7, anh bị gãy chân trong một trận đá bóng, phải nằm viện dài ngày; “họa vô đơn chí” đến năm lớp 10 anh bị tai nạn giao thông, vết thương cũ ở chân phải phẫu thuật lần 2, từ đó việc đi lại của anh gắn liền với đôi nạng gỗ. Anh xin nghỉ học để học nghề thủ công mỹ nghệ, chỉ sau 2 năm “tầm sư học đạo”, anh đã có thể tự làm ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Anh Mẫn đang chế tác tượng thiếu nữ
Anh Mẫn đang chế tác tượng thiếu nữ.

Năm 2009, anh Mẫn rời quê hương Nam Định vào lập nghiệp tại thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông). Những ngày đầu “chân ướt, chân ráo” vào quê hương mới, anh nhận làm gia công gỗ cho những người quen biết, thế rồi “tiếng lành đồn xa”, tài năng của anh được nhiều người biết đến. Trước nhu cầu rất đa dạng của khách hàng: người thì đặt tạc tượng chân dung, người thì đặt tạc tượng nghệ thuật, cũng có người đặt tạc tượng Phật, rồi bộ tam đa “phước, lộc, thọ”, bộ tứ linh “long, ly, quy, phụng”, bộ tứ bình ” tùng, trúc, cúc, mai”…, anh đều đáp ứng được và luôn làm hài lòng khách hàng. Anh Mẫn chia sẻ: “Khách hàng thường mang đến  một gốc cây hay một khối gỗ không có hình dáng gì, tôi phải hình dung sắp xếp bố cục, phác họa hình thù sao cho phù hợp với dáng cây hoặc gốc rễ, sau đó là chặt bỏ những rễ nhánh không cần thiết, rồi đục đẽo chăm chút cho đến khi hoàn thiện tác phẩm… Các sản phẩm đều được tôi giao đúng hẹn cho khách”. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của anh Mẫn được nhiều người khen ngợi, ưa thích bởi đường nét tinh xảo, uyển chuyển và rất có thần thái. Bên cạnh đó, khách hàng tín nhiệm anh bởi sự chân thành, thân thiện, luôn lấy chữ tín làm đầu và giá cả phải chăng.

Sau nhiều năm làm nghề, với số tiền tích cóp, anh Mẫn đã mua sắm được một số máy móc, vật dụng để mở được một cơ sở chế tác tại nhà; dạy nghề và tạo việc làm cho 15 lao động,  trong đó có 3 người khuyết tật. Mong muốn của anh là có thêm chút vốn mở rộng mặt bằng và mua sắm thêm máy móc, vật dụng mở một cơ sở đào tạo nghề cho những người có cùng hoàn cảnh như mình và liên kết với những doanh nghiệp có uy tín để đưa sản phẩm ra thị trường.           

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.