Multimedia Đọc Báo in

Sức trẻ trên quê hương cách mạng

09:36, 14/05/2016

Tuổi trẻ vùng căn cứ cách mạng Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) hôm nay đang ra sức thi đua phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, góp phần tô thắm truyền thống cách mạng trên mảnh đất anh hùng.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xã Ea Kao là vùng căn cứ H6, nhân dân trong xã đã vượt qua nhiều gian nguy để nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, Ea Kao là một trong những điểm tập kết của các đơn vị bộ đội chủ lực tỉnh tham gia tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. Mặc dù bị bom đạn kẻ thù bắn phá, nhiều nhà cửa, tài sản bị cháy thành tro song với tinh thần kiên cường, một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng, không một ai nản chí hay lùi bước trước quân thù. Trái lại, người dân đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất để có thêm lương thực tiếp tế cho bộ đội; đồng thời, còn tổ chức nhiều cuộc nổi dậy phá ấp chiến lược, tham gia các đợt đấu tranh chính trị, biểu tình lên án tội ác bắn giết người dân vô tội của quân đội Mỹ. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, xã Ea Kao đã có gần 100 người con ưu tú ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc…   

41 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cuộc sống của người dân nơi đây đã đổi thay rất nhiều. Hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm được Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cho người dân. Toàn xã hiện có 3.742 hộ với 17.435 khẩu, trong đó 2.106 hộ là người dân tộc thiểu số (chiếm 56,4%). Chị Hà Ly, Phó Bí thư Đoàn xã Ea Kao cho biết: “Xã Ea Kao có lực lượng dân số trẻ chiếm trên 56%, cung cấp một nguồn lao động lớn cho sản xuất nông nghiệp. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thế hệ trẻ hôm nay đã và đang ra sức xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp…”.

Hợp tác xã tách, bóc hạt điều của chị H’Ngoan B’Krông (buôn Tơng Jú).
Hợp tác xã tách, bóc hạt điều của chị H’Ngoan B’Krông (buôn Tơng Jú).

Từ hai bàn tay trắng nhưng với sự cần cù, chịu khó, chị H’Ngoan B’Krông (buôn Tơng Jú) đã trở thành điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Hiện, chị có cơ ngơi trị giá hàng trăm triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho gần chục lao động nông thôn tại địa phương. Sinh năm 1983 trong gia đình đông anh em, không có đất sản xuất, tuổi thơ của chị H’Ngoan là những ngày theo cha mẹ lên nương rẫy, sau đó đi làm thuê khắp nơi. Một trong những công việc chính là bóc, tách hạt điều thuê, mỗi kilôgam thành phẩm được trả công 6.000 đồng. Từ những buổi làm thuê đó và nhận thấy nhu cầu thực tế của người dân trong buôn, chị H’Ngoan đã xuống Bình Phước liên hệ với các đại lý có nhu cầu bóc, tách hạt điều để lấy hàng về thuê nhân công làm. Bà con bóc, tách hạt điều bảo đảm chất lượng cũng như thời gian nên được các chủ đại lý, doanh nghiệp, công ty rất hài lòng. Từ đó họ đã cung cấp thêm nguồn hàng cho H’Ngoan. Với mong muốn được làm ăn lâu dài và tạo uy tín với các chủ hàng, đầu năm 2012, chị H’Ngoan đã đứng ra thành lập Hợp tác xã sơ chế, bóc tách hạt điều. Sau khi đi vào hoạt động, Hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm người dân trong buôn làm việc theo thời vụ. Chị còn mạnh dạn thế chấp sổ đỏ vay hơn 300 triệu đồng xuống Bình Phước đặt cọc cho đại lý, doanh nghiệp để lấy thêm hạt điều. 

Anh Hoàng Hải Quý (thôn Tân Hưng) chăm sóc vườn rau của gia đình.
Anh Hoàng Hải Quý (thôn Tân Hưng) chăm sóc vườn rau của gia đình.

Tương tự, với khát vọng và ý chí của tuổi trẻ, tinh thần dám nghĩ dám làm, anh Hoàng Hải Quý (thôn Tân Hưng) đã vươn lên làm giàu từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp ngay trên mảnh đất quê hương. Nhìn cơ ngơi khang trang của chàng trai trẻ sinh năm 1983, nhiều người không khỏi thán phục và ngưỡng mộ. Sinh ra trong gia đình thuần nông ở tỉnh Cao Bằng, từ nhỏ đã chứng kiến cuộc sống vất vả, khổ cực của bố mẹ nên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Quý đã ước mơ sau này thoát khỏi cảnh đói nghèo. Năm 1985, cả gia đình anh từ Cao Bằng vào xã Ea Kao sinh sống, lập nghiệp. Do điều kiện kinh tế của gia đình nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh không thể theo đuổi ước mơ con đường học vấn mà ở nhà phụ giúp cha mẹ. Nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ tìm lối đi, Quý nhận thấy đất đai ở địa phương còn nhiều mà chưa được khai phá nên quyết định phát triển kinh tế theo mô hình vườn-ao-chuồng. Năm 2009, từ số vốn ít ỏi ban đầu, anh đầu tư mở trang trại trồng rau sạch, chăn nuôi bò và đào ao nuôi cá. Thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm lẫn thiếu vốn sản xuất, nhưng với quyết tâm thoát nghèo anh đã vượt lên tất cả. Giờ đây, cơ ngơi của anh có hơn 1 ha rau, 2 ao nuôi cá cùng chuồng trại nuôi hơn 200 con gà và 2 con bò sinh sản; trung bình mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng…

Chủ tịch UBND xã Ea Kao Phan Văn Trường cho biết: “Nhờ sự quan tâm của các cấp cùng sự đồng lòng của người dân địa phương, cuộc sống mới nơi đây đang có nhiều đổi thay. Ea Kao là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (tháng 5-2015); tỷ lệ hộ nghèo hiện còn khoảng 2%, thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/năm (tăng 13 triệu đồng/người/năm so với năm 2011). Chúng tôi cũng thường xuyên chỉ đạo cho chi đoàn thanh niên tìm hiểu học tập những mô hình làm ăn mới, hiệu quả có thể áp dụng tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân…”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.