Multimedia Đọc Báo in

Buôn nghèo mong sớm có điện

11:02, 09/03/2017

Được thành lập từ năm 1994 nhưng đến nay, buôn Sê Đăng (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) vẫn chưa có điện khiến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn.

21
Chưa có điện lưới quốc gia nên nhiều năm nay gia đình anh A Lốc chỉ sử dụng được ti vi trắng đen

Là một trong những hộ sống tại đây từ những ngày chưa thành lập buôn nên hơn ai hết, gia đình ông Puôt (dân tộc Sê Đăng) hiểu rõ nỗi khổ khi không có điện. Không chỉ việc học hành, sinh hoạt thường ngày gặp khó khăn mà cả sản xuất của gia đình ông cũng bị ảnh hưởng vì chưa có điện. 8 miệng ăn trong gia đình trông chờ vào 1,2 ha bắp và 2 sào cà phê nhưng do không chủ động được nguồn nước tưới nên năng suất bấp bênh. Ông Puốt than thở: “Để có điện thắp sáng gia đình tôi phải mua 2 bình sạc hết 1,6 triệu đồng, đi sang tận thôn 5 sạc hết 30 nghìn đồng. Giờ tôi chỉ mong có điện để thuê người đào giếng, có nước tưới mới dám trồng thêm cà phê, hoa màu tăng thu nhập”.

21
Để có điện thắp sáng cho các con học tập, gia đình ông Puốt phải đầu tư mua bình sạc

Để có điện phục vụ việc kinh doanh buôn bán, năm 2010, anh Y Sum Knul (dân tộc Êđê) đã bàn bạc, thống nhất với 24 hộ ở gần nhau cùng đóng góp 2 triệu đồng/hộ kéo điện phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, do đường dây nhỏ, điện yếu trong khi đó hao hụt nhiều nên mỗi hộ phải trả từ 300-400 nghìn đồng tiền điện/tháng. Đến năm 2013, các hộ trên rủ thêm 7 hộ khác trong buôn đóng góp 100 triệu đồng kéo đường điện dài 3 km từ thôn Trung Hòa (xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) để sử dụng.

Chưa có điện, cuộc sống của người dân buôn Sê Đăng gặp nhiều trắc trở, từ chuyện nắm bắt các thông tin thời sự, cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất đến việc học hành của con cái, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cũng chủ yếu phụ thuộc vào nước trời. Ông Lê Văn Khôi, Bí thư Chi bộ buôn cho hay, buôn Sê Đăng có gần 170 hộ với hơn 880 khẩu. Mấy năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, cơ sở hạ tầng, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay. Điều mong mỏi nhất của bà con hiện nay là sớm có lưới điện quốc gia để phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

21
Gia đình anh Y Sum và các hộ trong buôn tự đóng góp kéo điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất

Trao đổi về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Ea Sar cho biết, trước đây, UBND xã đã nhiều lần đề xuất các cấp, ngành đầu tư đường điện cho bà con trong buôn. Đến tháng 7-2015 xã nhận được thông báo của Điện lực Ea Kar là buôn Sê Đăng nằm trong dự án kéo điện cho các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2020. Hiện nay, ngành Điện đang tiến hành giao mốc, giao tuyến đường điện và sẽ thi công trong thời gian tới. Hy vọng ngành Điện sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công để bà con buôn Sê Đăng sớm có điện thắp sáng.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.