Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa đuối nước qua phổ cập dạy bơi

07:40, 19/09/2017

Để góp phần phòng ngừa tai nạn đuối nước trong học sinh, Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) đã kêu gọi xã hội hóa, xây dựng hồ bơi và tổ chức dạy bơi cho học sinh. Đây là một trong những trường tiên phong trên địa bàn huyện Cư M’gar thực hiện phổ cập, dạy bơi cho học sinh.

Mới vừa khánh thành trong năm học 2017-2018, hồ bơi có diện tích khoảng 200 m2, khang trang, sạch đẹp. Hồ có mái che mát mẻ và trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, áo phao theo quy định. Trong khóa chiêu sinh mới nhất, trường có 20 em của các lớp đăng ký học bơi. Có mặt vào đúng ngày khai giảng lớp dạy bơi mới, chúng tôi chứng kiến được không khí háo hức, phấn khởi của cả thầy và trò. Khỏe khoắn trong những bộ trang phục bơi đủ màu sắc, dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên Trần Thị Luận, các em thực hiện những động tác khởi động trước khi xuống nước thực hành những bài tập căn bản. Em Đoàn Dũ Hạnh Nhi (lớp 6A1) hào hứng: “Em rất vui khi lần đầu được học bơi ngay ở trong trường học, lúc trước chưa có hồ, khi nào “thèm” đi bơi tụi em chỉ biết rủ nhau, trốn ba mẹ ra hồ, suối tắm”. Cùng tâm trạng, em Nguyễn Quang Minh (cùng lớp 6A1) chia sẻ: “Em quyết tâm học bơi thật thành thạo để đề phòng trường hợp bị đuối nước, hơn nữa các thầy cô bảo đây là môn thể thao vận động toàn diện nên rất tốt cho sức khỏe”.

Các em học sinh Trường THCS Đinh Tiên Hoàng được hướng dẫn học bơi.
Các em học sinh Trường THCS Đinh Tiên Hoàng được hướng dẫn học bơi.

Thầy Đinh Quang Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Đinh Tiên Hoàng cho biết, địa bàn xã Cuôr Đăng có nhiều ao, hồ tự nhiên. Vào mùa hè, do thiếu sân chơi, các em học sinh thường rủ nhau đi tắm ao, hồ trong khi không biết bơi lội nên nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước rất cao. Thực tế liên tục trong các năm, từ 2011 đến 2014 đều xảy ra trường hợp trẻ em đuối nước thương tâm, trong đó có học sinh nhà trường. Để phòng ngừa tai nạn đuối nước, trang bị kỹ năng sống cho các em cũng như thực hiện chủ trương xã hội hóa, phổ cập dạy bơi trong các trường học, nhà trường đã kêu gọi cán bộ, nhân viên có điều kiện mạnh dạn đầu tư xây dựng bể bơi, phục vụ nhu cầu dạy bơi trong trường. Về phía nhà trường sẽ hỗ trợ về mặt bằng, giáo viên dạy bơi. Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết trên, cô Trần Thị Ngọc, giáo viên dạy Văn đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây dựng hồ bơi và công trình phụ trợ. Việc làm ý nghĩa này đã nhận được sự đồng tình của đông đảo phụ huynh, đa số phụ huynh đều đăng ký cho con em theo học. 

Nhằm đảm bảo chất lượng dạy bơi, mỗi lớp học (kéo dài trong 2 giờ đồng hồ), huấn luyện viên chỉ đảm nhận hướng dẫn 20 học sinh. Đây là những giáo viên thể dục của trường, có trình độ chuyên môn, được tập huấn bài bản, huấn luyện theo đúng giáo trình. Tham gia học bơi, ngoài việc được học các kiểu bơi, các em còn được trang bị những kỹ năng phòng chống, ứng phó với tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích không may gặp phải; được khuyến cáo không tắm ở những nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, ghềnh, thác nguy hiểm. Ngoài học sinh của nhà trường, các em trên địa bàn xã có nhu cầu học bơi, nhà trường cũng sẵn sàng đảm nhận với mức học phí tương đối phù hợp, 500.000 đồng/1 em tập cho đến khi biết bơi; riêng các em thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số được giảm một phần. Hiện hồ bơi phải hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu học bơi của các em. 

Được biết, ngoài Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, hiện nay trên địa bàn huyện Cư M’gar còn có các trường: Tiểu học Phan Bội Châu, Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Tiểu học Bế Văn Đàn và THCS Ngô Mây cũng đã phổ cập dạy bơi dưới hình thức xã hội hóa. Việc huy động các nguồn lực xã hội để đưa bơi lội vào dạy ở các trường học có ý nghĩa thiết thực, góp phần hạn chế, phòng ngừa tình trạng đuối nước trong trẻ em, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các em học sinh có địa điểm vui chơi, rèn luyện nâng cao thể lực, nhất là trong những ngày hè. Cách làm này cần phổ biến, nhân rộng ra các địa phương, trường học khác, nhất là trong bối cảnh đa số các trường gặp nhiều khó khăn khi không đủ kinh phí, nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, bể bơi phục vụ việc dạy bơi.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.