Multimedia Đọc Báo in

Dạy nghề cho lao động nữ: Nan giải tìm việc làm sau đào tạo

08:16, 17/01/2018

Thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nữ đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai với nhiều hình thức đa dạng, giúp chị em giải quyết được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đào tạo nghề cho lao động nữ cũng đang gặp không ít khó khăn…

Đa dạng hóa công tác đào tạo nghề

Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nữ, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của chị em và thị trường lao động.

Trên thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ. Chẳng hạn như: Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã phối hợp tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Krông Ana đã xây dựng 120 mô hình dạy nghề, tạo việc làm mới sau đào tạo nghề trồng nấm, chăn nuôi, mây tre đan… cho hàng trăm lao động. Hay như huyện Cư Kuin đã thành lập đoàn đi gặp gỡ trực tiếp các công ty, doanh nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh để nắm tình hình, động viên lao động nữ làm việc tại các nhà máy…

Dạy nghề dệt thổ cẩm cho lao động nữ tại Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông.
Dạy nghề dệt thổ cẩm cho lao động nữ tại Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông.

Chị H’Díu Bkrông, hội viên phụ nữ buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột cho hay, sau khi được chi hội phụ nữ buôn tuyên truyền, vận động, chị tham gia vào lớp đào tạo nghề của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông. Có được chứng chỉ nghề, chị được hợp tác xã giao chỉ về nhà dệt kiếm thêm thu nhập…  Còn với bà Dương Thị Luyến (thôn Cư An, xã Cư Huê, huyện Ea Kar) cũng mạnh dạn đăng ký học nghề chăn nuôi thú y để mở rộng quy mô từ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, theo kinh nghiệm sang nuôi tập trung theo quy mô trang trại. “Các lớp dạy nghề đều được tổ chức ngay tại thôn nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân tham gia. Lớp học không chỉ trang bị cho chúng tôi kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt mà còn giúp chị em tự tin, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất…” – bà Luyến chia sẻ.

Theo đánh giá của bà Phạm Thị Loan, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH, các nghề phi nông nghiệp đã giúp chị em có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, tự tạo việc làm hay được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Các nghề nông nghiệp đã giúp lao động nữ có thêm kiến thức, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất lao động.

Nan giải tìm việc làm

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song theo đánh giá của bà Trần Thị Phong, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, công tác dạy nghề cho lao động nữ vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do hoạt động thông tin, tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả nên nhiều lao động nữ chưa biết đến chính sách hỗ trợ học nghề. Đối tượng học nghề chủ yếu là chị em đã có gia đình, bị chi phối bởi nhiều yếu tố nên không tham gia hoặc bỏ học giữa chừng. Số người học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp chưa nhiều mà chủ yếu là có thêm kiến thức nhằm nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô những nghề đã làm trước đây...

Phụ nữ buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã có việc  làm thêm sau khi học nghề dệt thổ cẩm.
Phụ nữ buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã có việc làm thêm sau khi học nghề dệt thổ cẩm.

Ngoài những khó khăn trên, cũng theo bà Phong thì trở ngại lớn nhất trong công tác dạy nghề cho lao động nữ hiện nay là vấn đề giải quyết việc làm sau học nghề. Thời gian qua, các cấp hội đã quan tâm tạo việc làm cho chị em thông qua việc duy trì và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, thực hiện ủy thác vay vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội, huy động vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lao động nữ chưa tìm được việc làm sau khi học nghề. Theo thống kê, trong số 11.487 lao động nữ trên địa bàn tỉnh đã được dạy nghề thì có 4.090 chị tự tạo việc làm bằng những nghề cũ ngay tại gia đình, 4.621 chị được các cấp hội giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh hoặc đi xuất khẩu lao động, còn lại hơn 2.700 lao động chưa tìm được việc làm. Chính vì còn khó khăn vướng mắc trong giải quyết việc làm sau đào tạo nên nhiều chị em đã không mặn mà tham gia học nghề.

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, từ năm 2012 đến nay, các cấp hội đã phối hợp tổ chức 79 lớp dạy nghề cho 11.487 lao động nữ. Năm 2017, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của tỉnh là 54%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 17,58%.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.