Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ nghề làm lân truyền thống

08:03, 15/09/2018

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người làm đầu lân truyền thống lần lượt bỏ nghề vì không tìm được đầu ra, thu nhập thấp..., nhưng ông Nguyễn Thái (ở phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn quyết tâm gìn giữ nghề ông cha để lại.

Có mặt tại cơ sở làm lân của gia đình ông Thái vào những ngày đầu tháng 8 âm lịch mới thấy hết không khí khẩn trương hoàn thành các bộ đầu lân truyền thống để kịp giao cho các đoàn múa lân về tập luyện. Ông Thái kể: “Trước đây, từ cuối tháng 6 âm lịch các cơ sở làm lân làm không hết việc. Giờ người theo đuổi nghề này không còn nhiều như xưa…”.

Gắn bó với nghề hơn 20 năm, ông Thái không nhớ hết đã làm biết bao nhiêu chiếc đầu lân. Với ông, làm công việc này không chỉ để mưu sinh mà còn là niềm đam mê. Ông Thái chia sẻ, để làm được đầu lân, trước tiên người thợ phải dùng những đoạn tre để tạo khuôn. Sau đó nhúng gạc, giấy vào nước rồi đắp lên khuôn, phết hồ dán để tạo hình cho lân. Các loại giấy dán phải có độ dai để không bị nát vụn, hồ dán cũng là loại có độ kết dính cao. Công đoạn này phải làm thật nhanh cho bề mặt láng mịn để dễ dàng cho công đoạn trang trí. Sau khi đầu lân được phơi khô, người thợ sẽ bọc “da” cho lân bằng một số nguyên liệu như: giấy thiếc, vải kim sa, vải nhung... tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Em Nguyễn Thị Ánh Tuyết đang tạo mí mắt cho lân.
Em Nguyễn Thị Ánh Tuyết đang tạo mí mắt cho lân.

Theo nghệ nhân Thái, khó nhất là công đoạn trang trí đầu lân, đòi hỏi người thợ có trình độ tay nghề nhất định để phối màu hài hòa, tinh tế giữa hoa văn, đặc biệt là những hoa văn có họa tiết phức tạp. Mỗi màu sắc trên đầu lân đều có ý nghĩa khác nhau: màu đỏ tượng trưng cho sự sung túc, màu vàng tượng trưng cho tiền bạc… Qua những họa tiết này giúp người xem phân biệt được tính tình của lân khi biểu diễn như: mạnh mẽ, hiền hậu, vui tính...

Mỗi dịp hè và Tết Trung thu, cơ sở làm đầu lân của ông Nguyễn Thái có 20 đến 50 bạn trẻ học nghề, trong đó nhiều em đến từ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum… Niềm đam mê cháy bỏng  gìn giữ bản sắc dân tộc của học viên trẻ làm cho ông Thái bớt đi nỗi lo nghề làm đầu lân truyền thống bị mai một.

Theo quan sát, điểm khác biệt của đầu lân do ông Thái làm chính là sự uyển chuyển, mềm mại khi biểu diễn. Ông Thái tiết lộ “bí quyết”: “Nhằm tạo cho người xem có cảm giác như thật khi xem, người thợ sẽ dùng lông cừu trang trí cho lân. Hiện nay, mỗi đầu lân có giá bán từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng, riêng loại cao cấp từ 7 triệu đến 8 triệu đồng/chiếc - đó là những con lân có hoa văn đẹp lại có khả năng chống thấm nước. Đầu lân đạt tiêu chuẩn phải cân đối, hài hòa và tạo sự dễ dàng cho người múa lân khi thực hiện các động tác khác nhau”.

Ông Nguyễn Thái (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) đang trang trí  đầu lân.
Ông Nguyễn Thái (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) đang trang trí đầu lân.

Dẫu nghề làm đầu lân hiện nay không còn rộn ràng, nhộn nhịp như trước kia, nhưng không vì thế mà niềm đam mê gìn giữ nghề truyền thống của cha ông thôi cháy bỏng trong lòng ông Nguyễn Thái bởi ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến cơ sở học nghề làm lân. Đang cặm cụi tập vẽ mắt cho lân, em Nguyễn Văn Đại (ở xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk) chia sẻ,  lúc mới bắt đầu  học em được thầy Thái hướng dẫn tỉ mỉ những công đoạn đơn giản như tạo khung, dán giấy, đến khi vững tay nghề thì mới học vẽ đầu lân. Em Đại cho hay: “Nghề làm lân đòi hỏi sự kiên trì, thường xuyên luyện tập. Từng nét vẽ được thực hiện tỉ mỉ nhưng không kém phần dứt khoát. Khó nhất là học cách vẽ sao cho đôi mắt lân có hồn, con lân nhìn mạnh mẽ, hung dữ hay hiền lành đều thể hiện qua ánh mắt”.      

Không chỉ có nam giới, mà nhiều bạn nữ đam mê cũng tìm đến cơ sở của ông Nguyễn Thái để học nghề làm lân. Như trường hợp của em Nguyễn Thị Ánh Tuyết (ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), cách đây 3 năm, trong một lần cùng bạn đến cơ sở của ông Thái tham quan, Tuyết đã mê mẩn với những con lân đầy màu sắc. Tuyết bày tỏ: “ Không chỉ lúc nhỏ, mà lớn lên cứ mỗi dịp Trung thu lại đi theo đoàn lân khắp xóm. Nhìn mấy đứa nhỏ trong xóm thích thú với những chú lân, em tự nhủ sao mình không theo học nghề ý nghĩa này. Thế là em theo học tới giờ”. Hiện nay, Tuyết giờ đã là thợ làm lân “cứng tay” ở xưởng của ông Thái.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.