Multimedia Đọc Báo in

Đôi tay "sáng" của người khiếm thị

17:21, 25/11/2018

Với đôi tay khéo léo như "có mắt", nhiều người khiếm thị  tự tin làm nghề xoa bóp tẩm quất hay còn gọi là massage cổ truyền, vừa có thu nhập ổn định để nuôi bản thân, vừa có thêm động lực, tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Trước khi bị khiếm thị, anh Cao Danh Quyền (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) vẫn là một người khỏe mạnh bình thường, có công việc  với thu nhập ổn định. Năm 2003, anh không may mắc căn bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc và mất hoàn toàn thị lực khiến một người hoạt bát, lanh lợi như anh trở nên mặc cảm, tự ti. Nỗi đau quá lớn khiến nhiều lúc anh Quyền đã muốn buông xuôi tất cả, nhưng khi được sự động viên, quan tâm của gia đình, anh đã từng bước tìm lại niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Đó chính là tìm cho mình một công việc phù hợp và có thể giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

Nghề  xoa bóp, tẩm quất với  người mù đòi hỏi  sự  tinh tế  và  khéo léo.
Nghề xoa bóp, tẩm quất với người mù đòi hỏi sự tinh tế và khéo léo.

Năm 2007, thông qua Hội Người mù tỉnh giới thiệu, anh Quyền tham gia khóa đào tạo xoa bóp tẩm quất tại tỉnh Khánh Hòa và trở thành hội viên của Hội, cùng với bạn bè mở cơ sở xoa bóp tẩm quất Niềm tin (TP. Buôn Ma Thuột). Đến nay, cơ sở vẫn đang hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 8 người khiếm thị khác. Anh Quyền chia sẻ: “Khi là một người khiếm thị, tôi mới hiểu được nỗi đau cũng như khó khăn mà người khiếm thị gặp phải. Ngoài việc không tự chủ về kinh tế thì việc không tìm được niềm vui trong cuộc sống cũng khiến cho chúng tôi mất đi sự tự tin, không dám giao tiếp. Vì thế cơ sở này không chỉ giúp tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ như mình, mà còn là nơi gặp gỡ những người biết thấu hiểu và chia sẻ”.

Toàn tỉnh hiện có 10 cơ sở xoa bóp tẩm quất giải quyết việc làm cho 35 lao động, hầu hết là hội viên Hội Người mù tỉnh, với thu nhập bình quân 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Làm nghề tẩm quất thật chẳng dễ như nhiều người vẫn nghĩ. Anh Y Klia, kỹ thuật viên cơ sở Niềm tin (xã Băng Ađrênh, huyện Krông Ana) cho hay: “Mỗi lần làm tẩm quất cho khách phải mất ít nhất là 45 phút đến 1 tiếng với đầy đủ các bước từ đầu đến chân; xong 1 khách thì kỹ thuật viên cũng toát mồ hôi. Nếu người không có sức khỏe, đôi tay không khéo léo, nhạy cảm để sờ, nắn các huyệt thì khó mà làm được công việc này”. Theo tâm sự của các kỹ thuật viên, để có thể theo đuổi được nghề thì ngoài sự kiên nhẫn và yêu thích công việc, phải có đủ sức khỏe, đôi tay nhạy cảm, phải qua 3 - 6 tháng đào tạo tẩm quất, bấm huyệt cơ bản. Ngoài ra, trong quá trình làm phải thường xuyên học để nâng cao tay nghề; học cách tiếp cận với khách hàng vì làm tẩm quất, bấm huyệt thì khách không thể mặc nguyên quần áo, nhiều khi kỹ thuật viên chưa chuẩn bị tâm lý dễ dẫn đến tình trạng hoang mang, sợ sệt, đắn đo… Bên cạnh đó cũng có những vị khách có hành vi không đứng đắn, kỹ thuật viên, nhất là nữ  phải có bản lĩnh cũng như kỹ năng để xử lý tình huống…

                Anh Y Klia và chị H'Gương Êban giúp nhau đọc sách .
Anh Y Klia và chị H'Gương Êban giúp nhau đọc sách.

Cũng tại cơ sở này, những con người đồng cảnh ngộ đã gặp gỡ nhau, yêu thương nhau và nên duyên vợ chồng như trường hợp của anh Y Klia và chị H'Gương Êban. Dù đã quen biết nhau trước đó, nhưng khi vào làm tại cơ sở tẩm quất, anh chị mới có điều kiện nảy sinh tình cảm và đi đến hôn nhân. Hiện đang mang thai đứa con đầu lòng, chị H'Gương xúc động bày tỏ niềm vui khi đến với cơ sở, chị đã có việc làm, có thu nhập ổn định trên 2,5 triệu đồng/tháng, lại còn gặp được tình yêu của mình, đây chính là động lực để vợ chồng chị vươn lên trong cuộc sống còn bộn bề khó khăn.

Nghề xoa bóp, tẩm quất được xem là một trong những việc làm phù hợp với điều kiện sức khỏe của người khiếm thị, giúp họ cải thiện đời sống. Đến nay, Hội Người mù tỉnh đã cử 22 hội viên đi học nghề xoa bóp. Sau khi học nghề, đa số hội viên có thể làm việc ở các tổ dịch vụ tập trung hoặc tại cộng đồng.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.