Multimedia Đọc Báo in

Thắm tình hữu nghị Việt – Lào

09:53, 26/12/2019

Chương trình giao lưu văn hóa năm 2019 giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Attapeu (CHDCND Lào) vừa diễn ra  tại tỉnh Attapeu với nhiều hoạt động hấp dẫn, thắm tình hữu nghị.

Chương trình giao lưu do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk phối hợp với Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Attapeu tổ chức. Trong đó, điểm nhấn là chương trình giao lưu nghệ thuật chủ đề “Nhịp cầu hữu nghị” nhằm chào mừng Quốc khánh lần thứ 44 nước CHDCND Lào, 57 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 42 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác Việt Nam và Lào. Tham gia giao lưu nghệ thuật có gần 100 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đến từ hai tỉnh Đắk Lắk và  Attapeu. Hệ thống pano, nhạc cụ dân tộc và âm thanh ánh sáng sân khấu do Đoàn nghệ thuật Đắk Lắk mang sang lắp đặt.

Lễ buộc chỉ cổ tay theo phong tục người Lào tại chương trình.  Ảnh: Đ.Tuấn
Lễ buộc chỉ cổ tay theo phong tục người Lào tại chương trình. Ảnh: Đ.Tuấn

Tại chương trình, bà Bun Nan Bun Na Seng, Giám đốc Sở Thông Tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Attapeu nhấn mạnh: Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng của người dân Lào. Chúng tôi tự hào khi nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh bên nhau, trải qua những giai đoạn khó khăn nhất, cùng đấu tranh chiến thắng kẻ thù, cho đến thời kỳ hôm nay cùng xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta sẽ tiếp tục kề vai sát cánh cùng nhau xây dựng tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa hai nước nói chung và hai tỉnh nói riêng ngày càng bền chặt.

 
“Nhịp cầu hữu nghị” thực sự là một chương trình nghệ thuật đặc sắc thu hút hàng nghìn người dân của tỉnh Attapeu đến xem và cổ vũ. Với sự chuẩn bị chu đáo của  cả đôi bên, các tiết mục nghệ thuật đặc sắc đã thể hiện được bản sắc văn hóa của từng địa phương cũng như tình cảm keo sơn gắn bó giữa hai  dân tộc".
 
 Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Gia Duẩn

Đoàn Đắk Lắk mang đến chương trình 14 tiết mục ở các thể loại ca, múa… mang ý nghĩa đặc trưng. Đó là những ca khúc ca ngợi nét đẹp của Việt Nam như tiết mục hát múa “Việt Nam quê hương tôi” với lời ca da diết “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi, ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời”;  hay tiết mục rất riêng về Đắk Lắk, về Tây Nguyên như “Yêu sao Đắk Lắk hôm nay”, “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên”… đã mở ra một bức tranh về cảnh sắc tươi đẹp thơ mộng của đất nước và con người Việt Nam; cũng là lời chào, lời mời tất cả những người bạn Lào hãy đến Việt Nam, một đất nước hiếu khách, hòa bình, hội nhập và phát triển.

Bên cạnh đó, chương trình còn có những tiết mục thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị của hai đất nước Việt Nam và Lào như: “Hoa đẹp Chăm pa”, “Sợi nhớ sợi thương”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, múa “Tình ca Lào – Việt”… Nhiều ca khúc được nghệ sĩ hai nước thể hiện một cách đầy ngẫu hứng, đặc biệt các ca sĩ của nước Lào biểu diễn song ca bằng lời Việt đã có sức hấp dẫn đặc biệt, được khán giả nồng nhiệt tán thưởng.

Ngoài phần biểu diễn văn nghệ, phần lễ hội ẩm thực tại chương trình giao lưu cũng khá hấp dẫn. 25 đội đến từ các huyện và nhà hàng khách sạn của tỉnh Attapeu đã trình diễn tay nghề với những món ăn đậm nét ẩm thực truyền thống của dân tộc Lào như cơm lam, sườn heo nấu loóng, lươn nấu ống tre, cá trứng chiên xù, thân chuối bóp gà, gân bò xào lá sắn… Những món ăn được nấu nướng công phu, xếp đặt đẹp mắt là món quà người dân địa phương gửi đến nước bạn Việt Nam, cũng là cách quảng bá sản phẩm đặc trưng đến với du khách.

Lễ hội ẩm thực tại chương trình giao lưu văn hóa.
Lễ hội ẩm thực tại chương trình giao lưu văn hóa.

Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Attrapeu còn tổ chức Lễ buộc chỉ cổ tay, đây là một nghi lễ được tổ chức hằng năm của người Lào với ngụ ý cầu mong cho mọi người có sức khỏe dồi dào và may mắn. Nếu người nào được đeo càng nhiều sợi chỉ vào tay thì người đó càng được các thần linh phù hộ cho nhiều sức khỏe và nhiều may mắn...

Qua 4 ngày diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, chương trình giao lưu đã khép lại trong sự lưu luyến, thắm tình anh em. Chương trình đã giúp nhân dân các dân tộc hai tỉnh quảng bá những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo; đồng thời tăng cường sự hiểu biết, gắn bó và giúp đỡ nhau cùng phát triển, góp phần củng cố tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.