Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết việc làm cho lao động nữ từ nghề may gia công

08:51, 13/03/2020

Việc thành lập xưởng may gia công không chỉ đem lại cho chị Nguyễn Thị Thu Hà ở thôn Giang Thịnh (xã Tam Giang, huyện Krông Năng) nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương.

Năm 1996, sau khi học xong nghề may, chị Hà đầu tư vốn mở tiệm may tại nhà, đồng thời làm thêm dịch vụ cho thuê trang phục biểu diễn. Công việc kinh doanh thuận lợi giúp chị có nguồn thu ổn định để trang trải cuộc sống và chăm lo cho con cái. Thế nhưng vài năm trở lại đây, nhu cầu may mặc của người dân ngày một ít dần, thu nhập từ nghề may của chị Hà cũng trở nên bấp bênh, khiến chị luôn trăn trở, suy nghĩ phải tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình.

Xưởng may gia công của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà.
Xưởng may gia công của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà.

Tìm hiểu qua mạng Internet, chị Hà nhận thấy nghề may gia công đang rất phát triển, ngoài đem lại hiệu quả kinh tế cao còn tạo việc làm cho nhiều người. Giữa năm 2018, chị đi TP. Hồ Chí Minh tìm đến các công ty may mặc xin nhận hàng về gia công. Sau khi ký được hợp đồng gia công quần áo xuất khẩu với Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại Colo (quận Gò Vấp), chị đầu tư 180 triệu đồng mua 16 chiếc máy may công nghiệp và vải để dạy nghề miễn phí cho một số chị em tại địa phương đến khi thạo việc thì nhận vào làm. Ngoài ra chị còn vay mượn thêm để xây dựng khu nhà rộng 150 m2 và mua sắm máy móc (máy cắt, máy vắt, máy dập nút, bàn là hơi…) để thành lập Xưởng may gia công Lợi Hà.

 
“Chị Hà là một trong những tấm gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương, không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng mà còn tạo việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn; góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Giang Lê Thị Yến

Theo chị Hà, gia công hàng xuất khẩu đòi hỏi yêu cầu rất cao, đường may phải tỉ mỉ, chính xác. Tất cả sản phẩm trước khi xuất đi chị đều kiểm tra rất kỹ lưỡng, cái nào chưa đạt yêu cầu sẽ bị loại bỏ ngay, do đó xưởng đã tạo được niềm tin cho đối tác và có chỗ đứng trên thị trường may gia công. Trung bình mỗi tháng, xưởng của chị nhận gia công 5.000 - 10.000 sản phẩm, chủ yếu là đồ thể thao xuất khẩu và đồng phục cho các trường học, cơ quan, doanh nghiệp. Hiện xưởng may của chị Hà đang tạo việc làm thường xuyên cho 26 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Chị Ngô Thị Tuyết Hậu (thôn Giang Phước), một trong những lao động gắn bó với xưởng may từ khi mới thành lập cho biết, với mức lương ổn định hơn 4 triệu đồng/tháng, chị đã có thể phụ giúp bố mẹ và lo cho đứa em trai đi học. Hay trường hợp chị Nguyễn Thị Xuân Ánh (thôn Giang Bình) thay vì phải rời quê đi làm ăn xa thì nay đã có nguồn nhập khá từ nghề may gia công. Trước đây gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, đất sản xuất ít nên hai vợ chồng chị phải đi làm thuê kiếm sống. Chỉ sau một tháng đến học nghề tại xưởng may, chị Ánh đã thành thạo các bước may ráp. Nhờ chăm chỉ làm việc nên thu nhập của chị luôn ổn định ở mức 4 triệu đồng/tháng giúp chị có thêm khoản tiền để lo cho hai đứa con và chi tiêu hằng ngày.

Chị Hà (bên phải) kiểm tra hàng trước khi xuất xưởng.
Chị Hà (bên phải) kiểm tra hàng trước khi xuất xưởng.

Không chỉ tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, công nhân làm việc ở đây còn được chị Hà hỗ trợ tiền xăng xe, tiền ăn hằng ngày. Chị Hà đang có kế hoạch thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thêm nhiều mối hàng nhằm bảo đảm cho công nhân có việc làm thường xuyên và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương hơn nữa.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.