Multimedia Đọc Báo in

Phát huy hiệu quả mô hình "Tình chị em" ở Ea Phê

08:58, 28/12/2020

Được triển khai từ năm 2014, đến nay mô hình nhượng quyền xã hội dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS - KHHGĐ) "Tình chị em" (viết tắt là Dự án “Tình chị em”) tại Trạm Y tế xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) đã mang lại hiệu quả.

Hình ảnh căn phòng màu xanh mang tên Phòng tư vấn “Tình chị em” được bài trí gọn gàng, kín đáo đã trở nên quen thuộc, gần gũi với nhiều phụ nữ đến tư vấn, khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Ea Phê. Nhân viên Trạm Y tế cũng chính là nhân viên tư vấn luôn nhiệt tình giúp đỡ, giải đáp những thắc mắc của chị em về CSSKSS - KHHGĐ.

Chị Vũ Thị Phương, 28 tuổi, ở thôn 4 bộc bạch: “Trước đây, tôi rất e ngại mỗi khi đi khám bệnh phụ nữ. Tôi thường tìm đến các cơ sở y tế tư nhân để khám bệnh, điều trị. Sau vài lần tư vấn, khám bệnh tại Phòng tư vấn “Tình chị em” ở Trạm Y tế xã tôi thấy rất an tâm. Cơ sở, trang thiết bị tốt; thái độ của cán bộ y tế thân thiện, nhiệt tình”.

Cán bộ Trạm Y tế xã Ea Phê tư vấn cho khách hàng tại Phòng tư vấn “Tình chị em”.
Cán bộ Trạm Y tế xã Ea Phê tư vấn cho khách hàng tại Phòng tư vấn “Tình chị em”.

Phòng tư vấn "Tình chị em" tại Trạm Y tế xã Ea Phê cung cấp các biện pháp tránh thai hiện đại, khám và điều trị viêm nhiễm đường sinh sản, tầm soát sớm ung thư cổ tử cung, hướng dẫn chị em tự thăm khám vú nhằm phát hiện bất thường để can thiệp sớm, chăm sóc thai nghén, chăm sóc sau sinh, tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên... Đối tượng Phòng tư vấn chú trọng phục vụ là phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi. Khách hàng đến tư vấn và sử dụng dịch vụ hoàn toàn miễn phí.

 
Với phương châm “Thấu hiểu, kín đáo, tận tâm trong chăm sóc sức khỏe”, mô hình nhượng quyền xã hội “Tình chị em” đi vào hoạt động đã tạo điều kiện cho phụ nữ, nhất là chị em ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc chất lượng cao một cách thuận tiện. Qua đó phát huy vai trò của Trạm Y tế xã trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân”.
 
Nữ hộ sinh Đoàn Thị Kim Vân, nhân viên phụ trách Phòng tư vấn “Tình chị em” xã Ea Phê, huyện Krông Pắc

Để Phòng tư vấn "Tình chị em" phát huy tốt hiệu quả, Trạm Y tế xã chú trọng công tác truyền thông nhóm tại cộng đồng mỗi tháng từ 2 - 3 lần nhằm tuyên truyền, giới thiệu đến người dân mục đích, ý nghĩa, lợi ích của mô hình. Cùng với đó, phân công cộng tác viên dân số thường xuyên đến từng hộ tư vấn trực tiếp, cấp phát tài liệu, tờ rơi… nhằm giúp chị em có thêm kiến thức, cách chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, khắc phục tâm lý e ngại khi tiếp cận các dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ.  Nữ hộ sinh Đoàn Thị Kim Vân, nhân viên phụ trách Phòng tư vấn “Tình chị em” xã Ea Phê cho biết: "Cán bộ Trạm Y tế xã được tập huấn nâng cao tay nghề, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn. Ngoài ra, Dự án "Tình chị em" còn trang bị cho Trạm Y tế xã một số trang thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ; khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường sinh sản, tình dục; thực hiện các biện pháp tránh thai; cung cấp tài liệu, tranh ảnh, tờ rơi phục vụ công tác truyền thông".

Đánh giá về hiệu quả của Phòng tư vấn “Tình chị em”, y sĩ Bùi Văn Việt, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ea Phê cho hay, đến với Phòng tư vấn “Tình chị em”, phụ nữ được cam kết tôn trọng riêng tư, tiếp đón và phục vụ ân cần, chu đáo, được bày tỏ những băn khoăn về sức khỏe sinh sản hoặc những điều thầm kín. Vì vậy, từ khi triển khai đến nay, trung bình mỗi tuần, Phòng tư vấn “Tình chị em” khám, tư vấn, điều trị cho trên 25 lượt người. Và liên tục từ năm 2014 đến nay, Trạm Y tế xã Ea Phê thu hút số lượng người sử dụng các dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ tăng gấp 2 - 3 lần so với trước khi chưa thực hiện Dự án “Tình chị em”.

Với trên 6.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, trong đó phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm 50%, hiện có gần 90% số cặp vợ chồng trên địa bàn xã Ea Phê áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tỷ lệ sinh con thứ ba giảm dần từng năm.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.