Multimedia Đọc Báo in

Vững tin nơi miền biên viễn (Kỳ 1)

08:06, 31/05/2021

20 năm, khoảng thời gian chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để quân và dân nơi miền biên viễn của huyện Ea Súp biến vùng đất vốn heo hút và hoang vu này trở thành những làng quê mới nhộn nhịp.

Dù chưa được trù phú, sung túc như những làng quê khác, song niềm hy vọng về cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn ở đây đang được nhen nhóm lên trong mỗi gia đình.

Kỳ 1: Níu chân người ở lại

Để có số dân gần 4.000 hộ với hơn 13.200 khẩu được phân bố trên 32 thôn, làng (thuộc hai xã Ia R'vê và Ia Lốp - huyện Ea Súp) như ngày nay, quả là một nỗ lực lớn lao của quân và dân nơi vùng biên này. 20 năm đi qua, nhưng ký ức về một thời mở đất, định cư gian khó vẫn còn tươi nguyên trong tâm tưởng mỗi người.

Thiếu tá Phạm Văn Tùng, cán bộ Dân vận Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 (Đoàn 737) nhớ lại: Khi Dự án Kinh tế - Quốc phòng được Binh đoàn 16 triển khai đầu năm 2001 với lực lượng nòng cốt là Trung đoàn 736, 737 thì hầu hết anh em chiến sĩ đến đây làm nhiệm vụ đều độc thân cả, vì thế cuộc sống những ngày đầu gian khó ấy quả thật chông chênh.

Việc đi hay ở, gắn bó lâu dài với vùng biên này là điều khó đoán định. Đến năm 2002, có thêm lực lượng thanh niên xung phong từ Thanh Hóa vào bổ sung, cùng với những người lính chia sẻ khó khăn, vui buồn để thêm động lực bám trụ nơi đây.

Từ đó đã có nhiều mái ấm “gia đình quân dân” ra đời như vợ chồng Đại úy Bùi Văn Minh, Thiếu úy Nguyễn Cảnh Hưởng, y tá Lê Đình Tuấn, Nguyễn Thị Hoa… Những “tế bào” xã hội ấy cứ dần nảy nở thêm - và chính họ đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây nên thành lũy vững chắc trên vùng biên Ea Súp ngày nay. 

Thi công hệ thống kênh mương dẫn nước từ kênh chính của Hồ thủy lợi Ia Mơ về xã Ia Lốp, huyện Ea Súp.
Thi công hệ thống kênh mương dẫn nước từ kênh chính của Hồ thủy lợi Ia Mơ về xã Ia Lốp, huyện Ea Súp.

Tiếp đó (năm 2002 – 2003), những đợt đưa dân từ Bến Tre lên đây lập nghiệp theo diện kinh tế mới càng đặt lên vai người chiến sĩ Đoàn 737 trách nhiệm nặng nề hơn.

Quân và dân nơi đây không thể quên những ngày sát cánh cùng nhau xây dựng, phát triển đời sống mọi mặt trên quê hương mới. Phiên chế quân số chia ra 8 đội sản xuất, 1 trạm xá quân y làm hạt nhân đoàn kết, ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục cho gần 2.000 hộ trên 32 thôn, làng thuộc vùng dự án.

Bộ đội không những “cầm tay chỉ việc”, giúp người dân thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để nhanh chóng ổn định cuộc sống, từng bước tích lũy để tái đầu tư sản xuất mà gần gũi, quan tâm một cách chân thành đến cả tâm tư, tình cảm của mỗi người dân xa quê lên đây lập nghiệp.

Mô hình trồng ca cao xen chuối của Công ty Cổ phần Cacao Intercontinental là dự án nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên ở huyện Ea Súp.
Mô hình trồng ca cao xen chuối của Công ty Cổ phần Cacao Intercontinental là dự án nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên ở huyện Ea Súp.
 

Dự án Kinh tế - Quốc phòng Ea Súp được Binh đoàn 16 triển khai từ năm 2001 tại khu vực biên giới 3 xã Ya Tờ Mốt, Ea Bung và Ia Lốp. Từ năm 2006 thành lập thành 2 xã mới Ia R'vê và Ia Lốp. Đến năm 2015, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 trên cơ sở điều chuyển nguyên trạng và tổ chức lại Trung đoàn 736, 737 từ Binh đoàn 16 về Quân khu 5. Đến nay, vùng dự án đã bố trí, sắp xếp cho gần 4.000 hộ với hơn 13.200 khẩu từ các tỉnh Bến Tre, Thanh Hóa di dân theo diện kinh tế mới từ năm 2002 và một số tỉnh thành khác đến trong những năm gần đây - (Báo cáo của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737).

 

 
Jose Mourinho

Có vô vàn câu chuyện thể hiện hình ảnh quân dân chan hòa và thắm thiết ấy. Thiếu tá Nguyễn Đắc Thống - Đội trưởng Đội sản xuất số 5 (xã Ia R'vê) tâm tình: Anh em chiến sĩ luôn gắn bó với dân, cứ hết công việc được giao là tranh thủ đến từng gia đình thăm hỏi, coi sóc mọi việc - từ sửa sang lại nền nhà, mái tường hư hỏng, nạo vét thêm bồn cây ăn trái, mương đào dẫn nước… cho đến cơi nới những chuồng nuôi gia súc, gia cầm đã trở nên chật hẹp.

Lập nghiệp ở đây từ thuở đầu gian khó, vợ chồng anh Cầm Bá Dũng bày tỏ sự xúc động trước sự giúp đỡ chân tình của những người lính. Anh chia sẻ: "Thiếu tá Thống vừa là người cha đỡ đầu, vừa là “ông mối” se duyên cho vợ chồng tôi đến với nhau để có một mái ấm như hiện nay với căn nhà  cấp 4 khá vững chắc, đàn bò sinh sản 6 con và 2 ha chuyên trồng bắp, mì và cây trái".

Hay như vợ chồng chị Trần Thị Kim Liên, Nguyễn Thị Nguyên, Ngô Ngọc Hiền… ở thôn 6 (xã Ia R'vê) cũng từng ngày khấm khá lên nhờ sự quan tâm, giúp đỡ tận tình trên. Họ tâm sự: Với chúng tôi, Đại úy Phạm Thị Huế - Đội phó Đội sản xuất số 4 là người nhà thân thiết. Trong cuộc sống hằng ngày, không có việc gì là không có mặt chị và những chiến sĩ trong đội sản xuất nông lâm này. Nhiều gia đình hiện có tài sản đáng kể như xe máy, xe cày, xe múc, máy ủi phục vụ nhu cầu canh tác với diện tích hàng trăm héc-ta  (bình quân 2 ha/hộ) là nỗ lực rất lớn không chỉ của riêng 182 hộ đi kinh tế mới ở đây, mà còn có sự hỗ trợ hết mình bằng vật chất, tinh thần của tập thể chiến sĩ Đội sản xuất số 4 nói riêng và Đoàn 737 nói chung.

Có thể nói, bằng trách nhiệm và tình cảm ấy, mảnh đất vùng biên Ea Súp đã níu được chân người ở lại để tiếp tục xây dựng, kiến thiết quê hương mới ngày càng tươi đẹp hơn trên nền tảng đoàn kết, gắn bó tình quân dân được xây đắp từ những ngày đầu gian khó.

  (Còn nữa)

Kỳ 2: Sức sống mới  trên vùng đất khó

      Đình Đối - Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.