Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo rượu giả, kém chất lượng

08:34, 28/03/2017

Không thuộc nhóm các mặt hàng thiết yếu nhưng rượu khá thông dụng và được bày bán phổ biến trên thị trường, trong khi người tiêu dùng (NTD) lại rất khó để phân biệt đâu là rượu thật - giả, rượu kém chất lượng.

Rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, Nhà nước không khuyến khích kinh doanh nhưng đòi hỏi sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt của cơ quan chức năng. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, số cơ sở được cấp phép sản xuất rượu không nhiều, chủ yếu là các cơ sở, hộ kinh doanh rượu. Từ thành thị đến nông thôn, trong các siêu thị hay bất cứ tiệm tạp hóa, cửa hàng bán lẻ hay quán nhậu nào, NTD cũng dễ dàng mua được rượu. Theo tìm hiểu của phóng viên, đi cùng với các loại rượu có tem, nhãn mác, hóa đơn chứng từ thì trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại rượu không có tem trên bao  bì, vỏ chai, phổ biến  nhất là ở các dòng rượu ngoại. Đây được giới kinh doanh rượu cho rằng là hàng xách tay từ nước ngoài về, hoặc được mua tại các cửa khẩu, thường có giá rẻ hơn khoảng 20-30% so với rượu cùng chủng loại có dán tem, địa chỉ nhà phân phối. Đáng nói hơn, gần đây, tình trạng kinh doanh rượu vi phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn hiệu uy tín đang diễn ra gây nhiều thiệt hại cho DN lẫn NTD. Phổ biến nhất là ở dòng rượu Vodka, loại rượu này được coi là có chỗ đứng nhất định trong thói quen  tiêu dùng của nhiều người nhưng lại rất hay bị làm giả. Ông Nguyễn Đào Chí, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết, công nghệ làm giả bây giờ rất tinh vi và rất khó phát hiện, từ giả nhãn mác, thương hiệu, thậm chí, đến tem cũng có thể làm giả được. Chiêu thức của gian thương rất tinh xảo nên thật - giả khó lường bằng mắt thường, rất khó phân biệt. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phải có sản phẩm đối chứng, thiết bị chuyên dùng… thì mới có thể phát hiện được.

Cán bộ Chi cục QLTT kiểm tra mặt hàng rượu tại một hộ kinh doanh trên đường Lê Thánh Tông (TP. Buôn Ma Thuột).
Cán bộ Chi cục QLTT kiểm tra mặt hàng rượu tại một hộ kinh doanh trên đường Lê Thánh Tông (TP. Buôn Ma Thuột).

 Thời gian qua, Chi cục QLTT cũng như Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành các đợt kiểm tra, kiểm soát thường xuyên lẫn đột xuất, nhất là vào những dịp cao điểm như lễ, tết, và hầu như đợt kiểm tra nào cũng phát hiện và tịch thu nhiều sản phẩm rượu ngoại không hóa đơn, chứng từ, vi phạm sở hữu công nghiệp…

Còn theo Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, rượu, bia là một trong những nhóm bị làm giả nhiều nhất trong tổng số 30 nhóm hàng bị làm giả, nhái tại Việt Nam. Riêng với mặt hàng rượu ngoại, hàng giả, hàng nhái chiếm khoảng 20-30% và nếu tính cả hàng xách tay, hàng miễn thuế, hàng gian lận thuế thì tỷ lệ rượu giả lên đến 50-60%.

Thực trạng trên đòi hỏi cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và gắt gao hơn nữa. Trước hết cần đẩy mạnh việc tuyên truyền các quy định, Nghị định của Chính phủ đến các hộ kinh doanh rượu được biết để thực hiện nghiêm túc, tổ chức giám  sát, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm. Tuy nhiên, theo ông Chí, bên cạnh đó, rất cần sự phối hợp của các DN sản xuất, bởi vì muốn chống hàng giả mạo thì phải có hàng thật để kiểm tra, đối chiếu. Do vậy, các DN sản xuất cần chủ động cung cấp thông tin về đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, sản phẩm hàng của đơn vị mình cho cơ quan chức năng liên quan. Về phía NTD nên cẩn trọng khi chọn mua mặt hàng này, tránh tình trạng mất tiền thật để mua hàng giả, kém chất lượng lại chuốc bệnh vào thân.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.