Multimedia Đọc Báo in

Hiểm họa từ xe công nông độ chế

10:41, 05/08/2019

Nhiều năm qua các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của Chính phủ về cấm lưu hành xe công nông, xe tự chế 3 bánh, 4 bánh và tăng cường việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các phương tiện này.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn khu vực nông thôn huyện Krông Bông, tình trạng sử dụng xe công nông độ chế để vận chuyển hàng hóa nông sản, vật liệu xây dựng… không giảm mà còn có xu hướng gia tăng, nhất là vào mùa thu hoạch.

Qua tìm hiểu, phần lớn các loại phương tiện được thay đổi kết cấu hoặc chế tạo phần rơ moóc kéo và đều được các chủ phương tiện đặt làm ở cơ sở cơ khí nhỏ tại địa phương. Với ưu thế giá thành thấp so với phương tiện được sản xuất từ những cơ sở có uy tín, được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng, nên người dân vẫn chấp nhận “tiềm ẩn rủi ro” - dù đã có không ít phương tiện loại này khi tham gia giao thông gặp sự cố kỹ thuật, hoặc do chở quá tải, quá khổ mà dẫn đến tai nạn.

Điển hình vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 12-4-2019, trên đường cứu hộ cứu nạn, đoạn giáp ranh giữa hai xã Hòa Phong – Cư Pui (huyện Krông Bông), xe công nông của anh Y Pha Êban ở buôn Ngô A (xã Hòa Phong) chở đầy sắn đi bán đã bị lật nghiêng xuống taluy đường bên trái. Hậu quả làm một bé trai 8 tuổi tử vong.

Vụ tai nạn ngày 12-6-2019, xe công nông chở sắn của anh Y Bê bị lật tại đầu cầu treo buôn Tliêr (xã Hòa Phong).
Vụ tai nạn ngày 12-6-2019, xe công nông chở sắn của anh Y Bê bị lật tại đầu cầu treo buôn Tliêr (xã Hòa Phong).

Trường hợp khác, vào lúc 17 giờ ngày 12-6-2019, anh Y Bê ở buôn Tliêr (xã Hòa Phong) dùng xe công nông độ chế chở sắn thu hoạch từ rẫy về nhà. Do trọng tải lớn nên khi xe đi đến đoạn đường dẫn lên cầu treo buôn Tliêr đã bị lật nghiêng xuống đường làm toàn bộ nông sản đổ ra đường. Rất may người điều khiển phương tiện thoát nạn.

Gần đây nhất, vào khoảng 20 giờ ngày 7-7-2019, xe công nông của ông Ama Kuan ở buôn Ngô B (xã Hòa Phong) chở đầy sắn, khi đi qua đoạn đường về buôn, cách tỉnh lộ 12 khoảng 300 mét thì bị gãy rời phần đầu máy với phần thân rơ moóc xe. Chủ phương tiện thoát chết trong gang tấc nhưng phải thức trắng đêm để canh giữ sản phẩm. Ông Ama Kuan phàn nàn: “Mình cứ nghĩ xe của mình làm ở thợ cơ khí thì bảo đảm rồi, ai ngờ chất lượng kém quá, đang chạy mà mối hàn bung ra, làm gãy ngang phần đầu máy nối với phần thùng xe. May mà lúc đó xe dừng lại bên phía có đất, mình kịp nhảy ra, nếu không thì bây giờ chưa biết ra sao…”.

Vụ tai nạn ngày 7-7-2019, xe công nông của ông Ama Kuan bị gãy rời phần đầu máy với phần thân xe.
Vụ tai nạn ngày 7-7-2019, xe công nông của ông Ama Kuan bị gãy rời phần đầu máy với phần thân xe.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, loại phương tiện này được ví như “cần câu cơm” của người nông dân. Do vậy, để vừa bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vừa phù hợp với điều kiện ở nông thôn, đòi hỏi phải có giải pháp quản lý phù hợp từ quá trình sản xuất, đến việc đăng ký, lưu hành phương tiện, cũng như nâng cao nhận thức Luật Giao thông đường bộ cho người điều khiển loại phương tiện này.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.