Multimedia Đọc Báo in

Những lo toan đầu năm học mới

07:43, 22/08/2017

Tiền học phí, tiền đồng phục, tiền mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, phương tiện đến trường... đang là nỗi lo âu, trăn trở của các bậc phụ huynh, nhất là những hộ nghèo khi năm học 2017-2018 đang đến rất gần.

Chúng tôi gặp anh Dương Văn Dính ở thôn Ea Nuôl, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) khi anh mới cùng các con lên rẫy bẻ ngô về. Trong căn nhà lụp xụp, ngổn ngang xoong nồi, chén bát, anh Dính cho hay: Hai vợ chồng anh đã nghèo lại có những 6 người con, một cháu đã lấy chồng, một cháu mới 3 tuổi, còn 4 cháu đang độ tuổi đi học. Gần 3 tháng hè đi làm thuê, vợ chồng anh tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng, số tiền này chỉ đủ mua sách vở cho các con chuẩn bị vào năm học mới, còn quần áo, giày dép và các đồ dùng phục vụ cho học tập khác vẫn chưa có tiền để mua.  Tương tự, gia đình anh Y Zim Mdrang cũng thuộc diện hộ nghèo của buôn Trôk Ắt, xã Yang Reh (huyện Krông Bông). Mấy năm trước anh được Nhà nước hỗ trợ bò giống theo Chương trình 135, con bò đang khỏe mạnh thì bị rớt xuống hồ nước chết. Gia đình anh phải cố gắng làm lụng để mua lại con bò khác. Dẫu vậy, nhà có 6 miệng ăn chỉ với 2 sào lúa và 1 con bò thì không dễ thoát được đói nghèo. Nén tiếng thở dài, anh Y Zim chia sẻ: “Gia đình mình có 4 người con, do điều kiện khó khăn, 2 con đầu đã phải nghỉ học khi vừa hết lớp 5 để đi làm phụ giúp cha mẹ nuôi 2 em nhỏ đi học. Năm học mới sắp bắt đầu, để lo cho chúng đủ sách vở, quần áo, giày dép và các dụng cụ khác đi học, mình vẫn phải vay mượn mới có thể trang trải được...”. Anh Y Têm Bdap, Trưởng buôn Trôk Ắt cho biết, năm nào cũng vậy, cứ chuẩn bị vào năm học mới là những phụ huynh thuộc diện hộ nghèo của buôn lại phải chạy vạy vay mượn tiền lo sắm quần áo sách vở, sau đó đến mùa thu hoạch họ mới có để hoàn trả. Nhiều gia đình có con đã đến tuổi đi mẫu giáo nhưng do điều kiện khó khăn nên vẫn chưa cho đến trường mà ở nhà lên nương rẫy với cha mẹ.

Vợ chồng anh Dương Văn Dính đi làm thuê 3 tháng hè mới đủ tiền mua sách vở cho các con.
Vợ chồng anh Dương Văn Dính đi làm thuê 3 tháng hè mới đủ tiền mua sách vở cho các con.

Cùng chung nỗi lo với những bậc cha mẹ thuộc hộ nghèo khác, chị Huỳnh Thị Nhơn ở thôn 5, xã Ea Hu (huyện Cư Kuin) than thở: Nhà chị có 4 người con đang đi học: cháu lớn học lớp 8, cháu thứ hai bắt đầu vào lớp 6 và 2 cháu nhỏ đang học tiểu học. Vợ chồng chị không có đất sản xuất, quanh năm suốt tháng đi làm thuê cuốc mướn, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh nên cùng với việc trang trải sinh hoạt hằng ngày, các khoản mua sắm, đóng góp đầu năm học cho các con đi học trở thành nỗi lo rất lớn với gia đình chị.

Gia đình chị Hoa ở hẻm 91, đường Trần Quý Cáp, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) có 3 người con đang tuổi đi học. Vợ chồng chị lại không có nghề nghiệp ổn định, chồng đi làm thuê, ai gọi gì làm nấy; còn chị đi mua và lượm ve chai hằng ngày. Vừa đập dập những lon bia mới thu mua về, chị Hoa vừa tâm sự về những lo toan đầu năm học: “Chưa biết các khoản phải đóng góp đầu năm ở trường là bao nhiêu nhưng riêng tiền mua sắm đồng phục mới, giày dép, sách giáo khoa cho các con đã khoảng 4 triệu đồng, đây thực sự là gánh nặng không hề nhỏ”. Ngoài nỗi lo về chi phí đóng tiền học ở trường, tiền mua đồ dùng, sách vở... thì việc có cho con đi học thêm và học năng khiếu hay không, đi học bằng phương tiện gì... cũng khiến các bậc phụ huynh phải đau đầu suy nghĩ.

Ngày tựu trường sắp đến trong niềm hân hoan của thầy trò cả nước. Tuy nhiên, để niềm vui của con trẻ được trọn vẹn, không ít phụ huynh phải gồng mình lên để gánh bao nhiêu lo toan về các khoản chi tiêu đầu năm. Ước mong của họ chỉ đơn giản là cho con được đến trường, được học những điều tốt đẹp, được có cơ hội mở ra tương lai tươi sáng hơn bố mẹ...

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.