Multimedia Đọc Báo in

Xã vùng sâu Cư Pui vượt khó chuẩn bị cho năm học mới

07:10, 21/08/2017

Theo kế hoạch, năm học 2017-2018 xã Cư Pui (huyện Krông Bông) sẽ có 5 trường học từ bậc Mầm non đến THCS với 118 lớp, 3.519 học sinh (tăng 154 học sinh so với năm học trước).

Chuẩn bị bước vào năm học mới nhưng hiện nay các trường học trên địa bàn xã vùng sâu này đang đối mặt với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng như công tác tuyển sinh các bậc học.

 Năm học 2017-2018 Trường Mẫu giáo Cư Pui có 18 lớp. Để thực hiện bán trú thì đòi hỏi nhà trường cần phải có đầy đủ cơ sở vật chất như bếp ăn, công trình nước sạch, nhà vệ sinh, nhân viên phục vụ… Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 4 lớp ở điểm trường chính của Trường Mẫu giáo Cư Pui có thể đáp ứng được, 14 lớp ở 12 điểm lẻ còn lại chưa triển khai được chương trình bán trú.  Còn ở điểm Trường THCS Cư Pui, từ năm học trước Nhà nước đã đầu tư xây dựng 8 phòng học trị giá hơn 4 tỷ đồng từ nguồn vốn ổn định dân di cư tại các thôn đồng bào Mông song đến nay các phòng học này vẫn chưa đưa vào sử dụng vì chưa có các công trình phụ trợ như công trình vệ sinh, nước sinh hoạt, nhà để xe, phòng làm việc. Trường Tiểu học Cư Pui 2 thì vẫn còn thiếu 3 phòng học do giải phóng mặt bằng xây dựng phòng mới…

Người dân xã Cư Pui tham gia sửa chữa phòng học.
Người dân xã Cư Pui tham gia sửa chữa phòng học.

Bên cạnh cơ sở vật chất, công tác tuyển sinh cũng gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, các trường học trên địa bàn xã vẫn chưa tuyển sinh đủ kế hoạch. Khó khăn nhất là biên chế đội ngũ. Các trường hiện còn thiếu khoảng 37 cán bộ, giáo viên; riêng Trường Mẫu giáo Cư Pui cần thêm 17 giáo viên để thực hiện dạy 2 buổi trên ngày; Trường THCS cần thêm 15 giáo viên để tách điểm trường giúp hơn 500 học sinh người dân tộc Mông không phải đi xa hàng chục ki-lô-mét.

Khó khăn là vậy song chính quyền xã Cư Pui và cán bộ, giáo viên các trường đang nỗ lực khắc phục để sẵn sàng bước vào năm học mới. Dù thiếu 17 giáo viên, 10 bếp ăn bán trú nhưng cô trò Trường Mẫu giáo Cư Pui vẫn quyết tâm triển khai dạy 2 buổi/ngày và chế độ bán trú cho 14 lớp. Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhà trường sẽ động viên giáo viên lên lớp cả ngày để mở các lớp bán trú và bán trú dân nuôi. Năm học này nhà trường sẽ mở 5 lớp bán trú và 9 lớp bán trú dân nuôi; 4 lớp còn lại dự kiến năm học sau mới thực hiện được”.

Xã Cư Pui cũng đang nỗ lực đưa điểm Trường THCS Cư Pui tại thôn Ea Lang vào sử dụng. Không bị động ngồi chờ cấp trên hỗ trợ kinh phí, xã đã chủ động trích ngân sách địa phương, đồng thời huy động thêm nguồn lực trong nhân dân hoàn thành xây dựng một số hạng mục để kịp đưa vào sử dụng đầu năm học mới. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Trước mắt, xã trích ngân sách và huy động nhân dân các thôn, buôn đóng góp ngày công để khoan giếng, xây dựng nhà vệ sinh, nhà để xe để tách điểm trường THCS; sửa chữa các phòng học tạm và mượn phòng học để các cháu học sinh Tiểu học và Mẫu giáo vào năm học mới có đủ chỗ ngồi, không phải học ca 3”. Việc thiếu biên chế giáo viên cũng đang được Phòng GD-ĐT huyện giải quyết theo hướng chỉ đạo các trường ở vùng có điều kiện thuận lợi gấp rút dồn lớp để tăng cường một số giáo viên vào Trường THCS Cư Pui nhằm đủ điều kiện thành lập điểm trường.

Có thể nói, dù còn vô vàn khó khăn nhưng xã vùng sâu Cư Pui đã sẵn sàng cho năm học mới nhờ sự chung sức đồng lòng, nỗ lực giải quyết khó khăn của chính quyền, nhân dân và ngành giáo dục địa phương với mục tiêu tạo mọi điều kiện tốt nhất để học sinh được đến trường.

           Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.