Multimedia Đọc Báo in

Thư viện thân thiện: Không gian đọc thu hút học sinh

17:20, 24/12/2017

Mới triển khai thí điểm từ năm 2016, chương trình “Thư viện thân thiện” trong trường tiểu học (TH) như một bức tranh tươi mới hấp dẫn học sinh bằng cả hình thức lẫn nội dung.

Không gian đọc thân thiện

Chương trình “Thư viện thân thiện” do Tổ chức phi chính phủ Room to Read (RtR) tài trợ  được  triển khai tại 22 trường TH thuộc các huyện Krông Ana, Cư M’gar và TX. Buôn Hồ đã tạo nên không gian đọc đầy màu sắc hấp dẫn học sinh. Bước chân vào phòng đọc, cảm nhận ngay một không gian tươi sáng thân thiện: Trên tường là những bức tranh, dòng chữ sinh động thể hiện nội dung theo từng chủ đề của góc đọc thư viện; xung quanh phòng là những giá sách nhỏ xinh được sơn theo mã màu của những quyển sách đặt trên giá; nền nhà lót bằng thảm xốp nhiều màu mềm mại ấm áp, đặt trên mặt thảm là những chiếc bàn gỗ xinh xắn có kích thước vừa tầm cho học sinh ngồi đọc. Bảng nội quy thư viện, hướng dẫn cách tìm sách đọc theo mã màu đặt ở vị trí dễ quan sát nhất. Trong phòng đọc còn có các trò chơi trí tuệ, các góc tra cứu, góc sản phẩm để treo những bức tranh do chính các em vẽ về nội dung mình cảm nhận được sau khi đọc…

Các em học sinh đọc sách trong Thư viện thân thiện Trường Tiểu học Y Ngông (huyện Krông Ana).
Các em học sinh đọc sách trong Thư viện thân thiện Trường Tiểu học Y Ngông (huyện Krông Ana).

Không gian thân thiện, việc lựa chọn sách tiện lợi, số lượng sách dồi dào với nội dung phong phú, phù hợp với lứa tuổi là những điểm hấp dẫn học sinh đến với phòng đọc. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đọc, ngoài việc các em thoải mái đến phòng đọc và mượn sách về nhà đọc, các trường còn thực hiện các tiết đọc thư viện cho học sinh theo hướng dẫn của RtR. Hằng tuần, mỗi lớp được tham gia một tiết đọc thư viện dưới sự hướng dẫn, tổ chức của thầy cô giáo với nhiều hình thức khác nhau như: Đọc to nghe chung, cùng đọc, đọc cặp đôi và đọc cá nhân. Cuối mỗi tiết đọc, các em còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo thông qua các hoạt động mở rộng như: sắm vai, thảo luận truyện và viết vẽ.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, giáo viên dạy lớp 3 Trường TH Y Ngông (huyện Krông Ana) phấn khởi: “Không gian đọc thân thiện, các tiết đọc thư viện thú vị khiến học sinh rất thích thú, hy vọng sẽ gieo niềm ham thích đọc cho các em. Đọc sách không chỉ giúp học sinh rèn luyện kỹ năng đọc, mà còn giúp các em mở mang kiến thức và học hỏi kỹ năng sống. Hơn nữa, thích thư viện cũng làm cho các em thích đến trường, góp phần ổn định tỷ lệ chuyên cần, nhất là ở những trường vùng sâu. Thực tế cho thấy có những em học sinh dân tộc thiểu số trong giờ học trên lớp rất nhút nhát, lười đọc nhưng hễ đến tiết đọc thư viện thì lại rất tự tin và siêng năng đọc, nhờ đó mà kỹ năng đọc của các em khá lên rất nhiều”.

Thư viện thân thiện trường Tiểu học Thăng Bình (huyện Krông Bông).
Thư viện thân thiện trường Tiểu học Thăng Bình (huyện Krông Bông).
 

“Năm học 2017-2018, Sở GD - ĐT đã chỉ đạo nhân rộng mô hình trường học thân thiện tại các trường TH trên toàn tỉnh, trước mắt thí điểm tại 3 huyện, những năm tiếp theo sẽ thực hiện ở các huyện còn lại. Hiện đã có 12 trường tiểu học tự nguyện nhân rộng theo mô hình, gồm 8 trường thuộc huyện Cư M’gar, 4 trường thuộc huyện Krông Ana”. 

 

Bà Thái Thị Mỹ Bình, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học            (Sở GD - ĐT)

 

Có thể nói, chương trình RtR triển khai khá chặt chẽ, cùng với việc cung cấp sách, thiết bị thư viện còn hỗ trợ tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thư viện về kỹ năng tổ chức và quản lý thư viện, tổ chức các hoạt động đọc sách, huy động sự tham gia của cộng đồng trong thiết lập thư viện, thậm chí còn có cả quy định cụ thể về việc luân chuyển sách và quản lý việc đọc sách, mượn sách tại các trường có điểm lẻ.

Tại Trường TH Y Ngông (huyện Krông Ana), ngoài điểm trường chính có phòng đọc được trang bị đầy đủ, nhà trường còn có hai phân hiệu, trong đó một phân hiệu có phòng đọc và một phân hiệu chưa có phòng đọc. Để tạo điều kiện cho học sinh tại các phân hiệu vẫn có thể được tham gia đọc sách, cán bộ thư viện lựa chọn và luân chuyển sách đến các phân hiệu mỗi tháng một lần, đối với phân hiệu chưa có phòng đọc thì sách chuyển tới được cất trong tủ ở cuối lớp, cô giáo chủ nhiệm sẽ quản lý và mở tủ cho các em lựa chọn sách đọc.

Chị Phạm Thị Ngọc, nhân viên thư viện của nhà trường cho biết: “Tại điểm chính, khi mới mở, thư viện chỉ có khoảng vài trăm lượt đọc/tháng, dạo này đã tăng lên khoảng 1.000 lượt đọc/tháng. Với số lượng lượt đọc như vậy, việc vừa quản lý ở điểm chính, vừa lựa chọn sách và luân chuyển đến các phân hiệu cũng khá vất vả, nhất là gặp lúc trời mưa gió, đường đi đến các phân hiệu đôi chỗ còn khó khăn nhưng chúng tôi luôn thực hiện rất nghiêm túc để bảo đảm quyền lợi cho các em”.

Huy động cộng đồng cùng tham gia

Đối với các trường TH, để được chọn làm đơn vị thụ hưởng chương trình RtR, ngoài các tiêu chí mang tính bắt buộc như: có sĩ số học sinh bảo đảm, có cán bộ thư viện chuyên trách, có nhu cầu cấp thiết về phòng thư viện… thì còn rất cần sự nhiệt tình, năng động của Ban Giám hiệu và sự tham gia tích cực của Hội phụ huynh học sinh. Anh Nguyễn Ngọc Thăng, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường TH Thăng Bình (huyện Krông Bông) tâm sự: “Lứa tuổi các cháu rất thích đọc sách nhưng chưa biết cách lựa chọn sách phù hợp khi trên thị trường có nhiều thể loại sách khác nhau. Vì vậy chúng tôi rất đồng tình với việc thực hiện mô hình thư viện thân thiện để các cháu có cơ hội được đọc những quyển sách có nội dung hấp dẫn, mang tính giáo dục cao và phù hợp với lứa tuổi của mình”. Với nhận thức đó, anh đã cùng với nhà trường tuyên truyền vận động phụ huynh cùng đóng góp công sức để nâng cấp chỉnh trang phòng đọc, xây dựng thành công thư viện thân thiện cho nhà trường.

Việc được tiếp nhận hỗ trợ của chương trình RtR đã góp phần giải quyết phần nào những khó khăn của ngành GD - ĐT về công tác xây dựng thư viện, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng giáo dục trong trường tiểu học. Với những hiệu quả đạt được qua một năm triển khai, năm 2017 tỉnh Đắk Lắk tiếp tục được tổ chức RtR hỗ trợ xây dựng thêm 25 thư viện cho các trường tiểu học ở 4 huyện: Krông Pắc, Krông Búk, Cư Kuin và Krông Bông. 
 
Theo nội dung cam kết với các nhà trường, Tổ chức RtR sẽ đầu tư cho mỗi trường trong 3 năm, năm đầu tiên học sinh được hỗ trợ 3 đầu sách/năm, số lượng sách giảm dần và có sự đối ứng của nhà trường theo từng năm để hoàn chỉnh cơ sở vật chất thư viện. Vì vậy, để duy trì hoạt động của thư viện hiệu quả và bền vững hơn sau khi khai trương thư viện, các trường vẫn phải tiếp tục nỗ lực tham mưu với chính quyền địa phương, Hội phụ huynh học sinh để làm tốt công tác xã hội hóa nhằm tăng cường trang thiết bị cũng như bổ sung nguồn đầu sách cho thư viện.

Ngọc Thơm


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.