Multimedia Đọc Báo in

"Thắp lửa" đam mê nghiên cứu khoa học

07:09, 13/01/2019

Từ năm học 2012 - 2013, cuộc thi khoa học, kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học được Bộ GD-ĐT đưa vào nhiệm vụ năm học đã khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo KHKT và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, từng bước hình thành năng lực sáng tạo và niềm đam mê nghiên cứu khoa học…

Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ 7 năm học 2018 – 2019 vừa được Sở GD-ĐT tổ chức đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc và ấn tượng tốt đẹp trong lòng người tham dự và cả những ai quan tâm, yêu thích nghiên cứu, sáng tạo khoa học. Ông Đỗ Tường Hiệp, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT) cho biết, cuộc thi được phát động ngay từ đầu năm học 2018 - 2019 tới các trường trung học trên toàn tỉnh. Trải qua các vòng thi cấp cơ sở tại 15 phòng GD-ĐT và 10 Cụm khối các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với 446 sản phẩm thuộc 7 nhóm lĩnh vực khoa học cơ bản, Ban tổ chức cuộc thi đã lựa chọn ra 138 dự án xuất sắc của 59 đơn vị tham dự vòng chung kết cấp tỉnh (tăng 9 dự án so với cuộc thi của năm học 2017 - 2018).

Ban tổ chức tham quan và tìm hiểu về sản phẩm
Ban tổ chức tham quan và tìm hiểu về sản phẩm "Máy rửa ly tự động" của học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Lắk.

Cuộc thi năm nay ghi nhận nhiều dự án có chất lượng tốt, tính ứng dụng cao; quy trình tổ chức cuộc thi từ cấp cụm, huyện được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp hơn. Với tinh thần của cuộc thi là góp phần tích cực vào đổi mới giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, ban giám khảo đã bám sát các tiêu chí cuộc thi, qua đó kiểm tra các ý tưởng sáng tạo và năng lực nghiên cứu khoa học, sự tìm tòi và đổi mới của học sinh. Nhiều dự án xuất phát từ thực trạng đời sống hiện nay và đưa ra những giải pháp cụ thể, giúp cải thiện môi trường sống và làm việc.

Điển hình như dự án “Giếng nổi cho vùng ngập lụt, ô nhiễm nước” của hai em Nguyễn Thị Hải Lý và Nguyễn Thanh Hồ, học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (huyện Krông Ana) khi chế tạo chiếc giếng nổi trên mặt nước, lọc các chất cặn bẩn, khử độc và loại bỏ một số kim loại nặng với chi phí rẻ (khoảng 200.000 đồng). Hay như sản phẩm “Gạch xây dựng CPS” của em Phạm Thị Ngọc Diễm, học sinh Trường THPT Krông Bông (huyện Krông Bông) khi chế tạo ra gạch không nung với quy trình đơn giản, có khả năng cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường…từ những vật liệu như xi măng, cát mịn, vôi bột, chai nhựa, túi nilon xay mịn.  

Lần đầu tham gia cuộc thi nhưng dự án đã đoạt giải Nhất và là 1 trong 6 dự án sẽ tham dự cuộc thi cấp Quốc gia sắp tới, em Lê Thanh Thiện (lớp 9B, Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Lắk) tự hào khoe: “Chiếc máy rửa ly tự động do chúng em chế tạo sẽ giúp các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê giải phóng được sức lao động và bớt chi phí khi 1 giờ máy có thể rửa được 1.000 chiếc ly. Cuộc thi đã tạo cơ hội cho chúng em được vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, giúp chúng em làm quen với công tác nghiên cứu khoa học, thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo của mình”.

Thầy Phạm Phương Ký, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Lắk chia sẻ: “Qua quá trình hỗ trợ các em làm dự án, tôi nhận thấy các em khá tự tin, bản lĩnh, biết sử dụng kiến thức liên quan để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Qua cuộc thi giúp các em có nhiều kỹ năng xử lý tình huống trong học tập và các hoạt động thường ngày”.

Ban tổ chức tham quan và lắng nghe học sinh thuyết trình dự án tại cuộc thi.
Ban tổ chức tham quan và lắng nghe học sinh thuyết trình dự án tại cuộc thi.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi khẳng định: Cuộc thi KHKT ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng của sản phẩm, dự án cũng như phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh, sự tâm huyết, nhiệt tình của các thầy cô giáo hướng dẫn. Đồng thời, cuộc thi cũng là một dấu mốc quan trọng trong phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật của học sinh phổ thông, góp phần đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên, ý thức tự học, tự sáng tạo của học sinh trên toàn tỉnh. Cuộc thi còn là cánh cửa hy vọng cho các học sinh đoạt giải cao có cơ hội được tuyển thẳng vào một số trường đại học, cao đẳng trong cả nước.

Ban tổ chức cuộc thi đã trao 99 giải thưởng cho các dự án, sản phẩm xuất sắc, gồm 12 giải Nhất, 19 giải Nhì, 27 giải Ba, 36 giải Khuyến khích và 5 giải Khởi nghiệp. Đồng thời, Ban tổ chức cũng chọn ra 6 dự án, sản phẩm xuất sắc nhất để tham gia tranh tài tại Cuộc thi KHKT cấp Quốc gia dự kiến sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh trong tháng 3-2019.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.