Multimedia Đọc Báo in

Chuẩn bị nguồn lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

08:08, 20/11/2019

Năm học 2019 - 2020 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện để đưa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) mới vào giảng dạy ở lớp 1. Hiện nay, ngành GD-ĐT và các địa phương trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để thực hiện đạt hiệu quả.

Rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp

Là huyện biên giới, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, do vậy để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình GDPT mới, Phòng GD-ĐT huyện Ea Súp đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện từ khá sớm.

Theo đó, chú trọng sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở GDPT trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, thực hiện “Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017 - 2025”; chỉ đạo các cơ sở GDPT sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học.

Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Trần Văn Hải cho biết, huyện có 19 trường tiểu học và 1 trường tiểu học – THCS, trong đó một số trường tiểu học thiếu phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, như các trường: Ea Súp, Kim Đồng, Võ Thị Sáu…; bên cạnh đó các trang thiết bị để tổ chức dạy học Ngoại ngữ, Tin học chưa đáp ứng yêu cầu.

Do vậy, Phòng GD-ĐT huyện đã đề xuất, bố trí, sắp xếp, sáp nhập lại một số trường học, các điểm trường lẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học, vừa tập trung nâng cao chất lượng, khắc phục tình trạng phân tán, nhỏ lẻ về mạng lưới điểm trường; đồng thời nỗ lực cải thiện, tăng cường cơ sở vật chất và các trang thiết bị, bổ sung phòng học, xây dựng phòng học Ngoại ngữ, Tin học, phòng Giáo dục nghệ thuật… đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học cũng như đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình GDPT mới.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tỷ lệ phòng học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học của toàn tỉnh mới chỉ đạt khoảng 65%, vẫn còn thiếu khoảng 500 phòng học để triển khai dạy học 2 buổi/ngày. Đây là một trong những khó khăn lớn của ngành Giáo dục tỉnh khi triển khai chương trình GDPT mới.

Để khắc phục điều này, Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa cho rằng, cần phải huy động nguồn lực của toàn xã hội để cùng chung tay “gánh vác” với ngành Giáo dục, trong đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã  hội, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và huy động nhân dân đóng góp cùng các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia… để đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt ưu tiên mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, tại các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đông học sinh dân tộc thiểu số…

Sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý

Bên cạnh việc chuẩn bị, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, thì đội ngũ giáo viên cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của chương trình mới, vì thế vấn đề bồi dưỡng, sắp xếp đội ngũ giáo viên cũng được ngành GD-ĐT tỉnh quan tâm, chú trọng.

 
“Việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, quan điểm, nội dung, lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT hết sức được chú trọng nhằm tạo sự tin tưởng, đồng thuận, đồng thời phát huy hiệu quả đóng góp nguồn lực của toàn xã hội trong thực hiện đổi mới giáo dục…”.
 
 Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa

Theo Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột Mai Thị Hồng Hà, thực hiện chương trình GDPT mới, vai trò của giáo viên và cán bộ quản lý phải có những thay đổi theo hướng đảm nhận nhiều chức năng hơn, trách nhiệm lựa chọn nội dung giáo dục nặng nề hơn.

Thời gian qua, Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột đã khảo sát, lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học và đội ngũ cán bộ quản lý làm nòng cốt triển khai chương trình và tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới.

Ngoài ra, trên cơ sở thực tế, Phòng cũng sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện có; tuyển dụng và thực hiện tinh giản biên chế hợp lý, đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu, chất lượng; tổ chức rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo lộ trình thực hiện chương trình; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp và chuẩn hiệu trưởng…

Tiết học tiếng Anh của cô và trò Trường THCS & THPT Đông Du (TP. Buôn Ma Thuột).
Tiết học tiếng Anh của cô và trò Trường THCS & THPT Đông Du (TP. Buôn Ma Thuột).

Tương tự, Phòng GD-ĐT huyện Ea Súp cũng đã tích cực triển khai công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, chú trọng bồi dưỡng những nội dung gắn với đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá theo định hướng tiếp cận năng lực người học. Tuy nhiên, một khó khăn của huyện Ea Súp hiện nay là còn thiếu giáo viên các bộ môn tiếng Anh, Tin học (cụ thể, năm học 2019 – 2020, huyện thiếu 8 giáo viên tiểu học đứng lớp, 8 giáo viên tiếng Anh, 1 giáo viên Tin học). Do vậy, Phòng GD-ĐT huyện Ea Súp đã đề nghị được bổ sung biên chế giáo viên tiểu học còn thiếu để đảm bảo triển khai thực hiện chương trình GDPT mới đạt hiệu quả.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.