Multimedia Đọc Báo in

Vài đề xuất về dạy học tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới

10:53, 12/12/2020

Hiện dư luận đang nêu lên một số hiện tượng về sách giáo khoa lớp 1 mới như: sách sử dụng phương ngữ, từ ngữ chưa phù hợp, một số tác phẩm phóng tác không sát văn bản gốc, một số truyện đọc tính giáo dục chưa cao... Sách chưa chuẩn, nay Bộ GD-ĐT đang xem xét điều chỉnh.

Thiết nghĩ: sách tự mình đã chọn, trong lúc chờ chỉnh sửa (nếu có), chúng ta nên tìm cách làm thế nào cho học sinh “đọc thông viết thạo”. Từ suy nghĩ đó, tôi mạo muội đề xuất các ý kiến sau:

Chúng ta không nên nói với học sinh lớp 1 các hiện tượng đang được thảo luận về sách bởi các em đang học cái đúng trong sách đã khó, nếu phải biết sẽ càng thêm quá tải; có khi mất niềm tin vào sách. Trước đây sách là pháp lệnh, không được thay đổi một tiểu tiết nào; nay sách là phương tiện để thầy trò đạt mục tiêu giáo dục. Dựa vào sách, chúng ta dạy cho các em học tiếng Việt và cách học tiếng Việt. Từ “giảng dạy” được thay bằng từ “dạy học”, tức là dạy cách học, dạy cách học chữ, cách học vần, cách đánh vần, cách đọc câu văn, cách hiểu câu chuyện... Thầy cô và phụ huynh cố gắng tìm cách để giúp học sinh học tiếng Việt trong sách giáo khoa mới. Chẳng hạn: Dùng từ ngữ phổ thông để giải nghĩa từ ngữ khó hiểu, như “gà nhí” là “gà con”, “đớp” là ăn... Tìm thủ pháp sư phạm để tránh khô khan, quá tải...

 

Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột)
Giờ học tiếng Việt của cô và trò học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột).


Nên mạnh dạn nói rằng: chương trình tiếng Việt lớp 1 mới nặng hơn chương trình cũ. Không phải 8 tiết tăng lên 10 tiết là nặng hơn mà mỗi bài dạy đến 2 âm, vần là nhiều, yêu cầu hết học kỳ I nắm được hết chữ cái là cao, các đoạn văn đưa vào ngay các bài đầu là khó... Vì vậy, giáo viên nên lập kế hoạch dạy học linh động. Quan điểm mới coi trọng mục tiêu, không gò ép thao tác cụ thể. Kế hoạch dạy học có “phần mềm” để giáo viên thao tác. Chẳng hạn: Có 332 tiết dạy chữ (hoặc vần) và  88 tiết ôn tập (trong đó 64 tiết ôn, tự đọc sách báo 16 tiết, góc sáng tạo 8 tiết), không cần phải vội lo dạy cho “hết chữ”. Giáo viên nên thực hiện dạy học phân hóa, đối với những học sinh tiếp thu nhanh, thì hướng dẫn các em đọc trọn vẹn bài tập đọc, tập viết; đối với những học sinh còn chậm, giáo viên chỉ cần hướng dẫn các em đọc, viết được những nội dung cơ bản.

Quy định không giao bài tập về nhà, thầy cô không nên giao thêm bài tập về nhà vì các em đã học 2 buổi, dành thời gian cho học sinh nghỉ ngơi, vui chơi. Không giao bài về nhà không có nghĩa là về nhà hoàn toàn không học bài. Tùy đối tượng, tùy hoàn cảnh, học sinh có thể ôn tập bài cũ hoặc xem trước bài mới. Từ thứ hai đến thứ sáu có thể học sinh không học bài buổi tối; nhưng tối chủ nhật, sau khi vui đùa thỏa thích 2 ngày, học sinh có thể đọc lại vài câu văn hay đã học, viết vài chữ cái đã viết. Phụ huynh nên tạo tình huống học ngoài giờ một cách linh động cho con em mình. Chẳng hạn, khi đón con, không hỏi hôm nay bao nhiêu điểm mà hỏi con hôm nay học chữ gì. “Hôm nay học chữ o.” – “À, o tròn như quả trứng gà”. Đó chính là ôn bài cũ (giáo viên gọi là “củng cố dặn dò”). Buổi tối giở sách ra, thấy chữ “ng”, bà nói với cháu “có 2 chữ “ngờ” là ngờ đơn và ngờ kép. Đó chính là chuẩn bị cho bài mới.

Tiếng Việt là môn công cụ, học vần là phân môn công cụ đầu tiên. Dạy và học tiếng Việt lớp 1 mới quả là gian khổ song bằng tình thương và trách nhiệm, thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh sẽ khắc phục được khó khăn để giúp các em có thể học tốt.

Lê Bê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.