Multimedia Đọc Báo in

Để học sinh không "bỏ rơi con chữ"

09:03, 25/04/2021

Nhận thức còn hạn chế, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đường từ nhà đến lớp quá xa… là những nguyên nhân khiến công tác duy trì sĩ số học sinh của các trường ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh gặp nhiều khó khăn. Song, với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, các thầy cô giáo cùng nhà trường luôn nỗ lực vận động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để học sinh không “bỏ rơi con chữ”.

“Bám trò, bám nhà”

Trường THCS Cư Pui là một trong những trường khó khăn của huyện Krông Bông với 91% học sinh là người dân tộc thiểu số. Những năm trước đây, công tác vận động học sinh đến lớp cũng như duy trì sĩ số hằng ngày không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên và chính quyền địa phương đến nay tình hình học sinh vắng học, bỏ học đã cải thiện đáng kể. 

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm học 2020 - 2021, nhà trường chỉ đạo khi phát hiện học sinh của lớp mình nghỉ học, giáo viên chủ nhiệm chủ động đến nhà gặp gỡ phụ huynh, học sinh tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, khó khăn để có hướng tuyên truyền, vận động phù hợp. Nếu vận động nhiều lần mà học sinh vẫn không ra lớp, giáo viên sẽ lập danh sách, báo cáo Ban giám hiệu nhà trường để trong các cuộc họp giao ban với xã, nhà trường thông báo tình hình cho chính quyền địa phương biết để phân công người phối hợp cùng giáo viên tuyên truyền, vận động gia đình cho các em đi học trở lại.

Ban giám hiệu và giáo viên Trường THCS Cư Pui đến nhà vận động học sinh đến lớp.
Ban giám hiệu và giáo viên Trường THCS Cư Pui đến nhà vận động học sinh đến lớp.

Cùng với đó, Trường THCS Cư Pui còn kêu gọi các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương hỗ trợ những em có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể thao, tạo sân chơi thiết thực, bổ ích nhằm động viên học sinh đến lớp; đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng bài giảng phù hợp với năng lực của các em bảo đảm vừa sức, phù hợp với từng đối tượng học sinh và điều kiện của nhà trường.

“Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, đi học không thường xuyên, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường tăng cường tuyên truyền, vận động, duy trì sĩ số học sinh và huy động học sinh bỏ học trở lại lớp. Đồng thời tích cực huy động mọi nguồn lực của xã hội, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp cùng vào cuộc; tổ chức nhiều phong trào, hoạt động ngoại khóa tạo môi trường học tập tích cực, thân thiện để các em cảm nhận được rằng “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”…”. 
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa

Thầy Phan Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cách đây vài năm, số lượng học sinh bỏ học của trường khá nhiều, có năm lên đến cả trăm học sinh, chủ yếu tập trung ở lớp 7, 8. Song nhờ thực hiện nhiều giải pháp và kiên trì vận động nên nhận thức của phụ huynh học sinh đã dần chuyển biến tích cực, đến nay nhà trường chỉ còn 21 em chưa ra lớp.

Chúng tôi đã cùng với một số giáo viên Trường THCS Cư Pui đến buôn Blăk (xã Cư Pui) vận động học sinh hiện nay vẫn chưa ra lớp. Đây là buôn gần trường nhưng là địa bàn khó vận động vì phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục, thường muốn con cái ở nhà phụ việc nương rẫy hoặc đi làm thuê, còn các em thì sau một kỳ nghỉ dài cũng mang tâm lý ngại đến trường.

“Tiếp sức” học sinh đến trường

Là một trong những trường có số lượng học sinh không đến lớp khá cao trên địa bàn huyện Cư M’gar, những năm học trước Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M'droh) cũng đang tích cực áp dụng nhiều biện pháp để thu hút học sinh đến trường.

Thầy Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với đặc thù nằm trên địa bàn còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số; đa số người dân làm nông, việc quan tâm đến học tập của con em chưa được chú trọng; một số em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bỏ học để đi làm phụ giúp bố mẹ. Bên cạnh đó, xu hướng, cơ hội việc làm ở địa phương ít, số lượng học sinh sau khi học xong ra trường làm nông nhiều nên ảnh hưởng không nhỏ đến động lực học tập của các em… Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học, đi học không thường xuyên trong những năm trước đây.

Để khắc phục tình trạng này, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp, vận động, tuyên truyền, giúp đỡ, thu hút các em trở lại trường. Theo đó, đội ngũ giáo viên nhà trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sát sao, nắm bắt hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp để từ đó tìm hiểu nguyên nhân, kịp thời động viên, cũng như có đề xuất hỗ trợ, “tiếp sức” các em đến trường.

Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M'droh) phối hợp với các nhà hảo tâm trao tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M'droh) phối hợp với các nhà hảo tâm trao tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với đó, nhà trường thực hiện tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là tham mưu cho cấp ủy đảng cũng như các đoàn thể, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội để cùng vào cuộc. Nhà trường chủ động kết nối với các tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện để tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho các em. Nhờ đó, từ năm học 2017 - 2018 đến nay, nhà trường đã phối hợp trao tặng hàng trăm suất quà, áo trắng, quần áo thể dục, đồ dùng học tập và 31 xe đạp tặng các em có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, trong chương trình “Tiếp sức đường dài” đã có hơn 20 học sinh được hỗ trợ từ 240.000 – 290.000 đồng/tháng/học sinh. Ngoài ra, nhà trường còn huy động, phối hợp trao tặng dê giống trong chương trình “Ngân hàng dê giống” cho 7 gia đình học sinh (trị giá mỗi đợt trao từ 8 – 9 triệu đồng); hỗ trợ xây dựng 5 nhà Khăn quàng đỏ cho các gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn (mỗi căn nhà hỗ trợ từ 40 - 60 triệu đồng)…

Với sự “tiếp sức”, hỗ trợ thiết thực cùng những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, giáo viên nhà trường và sự vào cuộc của các cấp, ngành, hiện nay tình trạng học sinh bỏ học, đến lớp không đều của Trường THCS Ngô Mây giảm hẳn.

Lan Anh – Như Quỳnh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.