Multimedia Đọc Báo in

Dịch Covid-19 khiến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang

16:36, 08/05/2020
Đại dịch Covid-19 đang khoét sâu những căng thẳng vốn có giữa Mỹ và Trung Quốc. Đó là nhận định của cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng Clete Willems vào ngày 5-5.
 
"Thực tế là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang trong thời điểm hiện tại. Tôi biết mọi người không thoải mái với thuật ngữ này nhưng tôi cho rằng chúng ta phải thành thật và gọi điều này là sự khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và nếu chúng ta không cẩn thận, mọi thứ có thể tồi tệ hơn rất nhiều", chuyên gia Willems phân tích.

Washington chỉ trích Bắc Kinh không thông tin kịp thời và đầy đủ về đại dịch Covid-19. Tổng thống Trump cho rằng "sai lầm" của Trung Quốc chính là nguyên nhân gây nên đại dịch toàn cầu trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết có một "số lượng bằng chứng đáng kể" cho thấy vi rút SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc trên. Trang Global Times của nước này cho rằng những nhận định của ông Pompeo rằng vi rút có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm là "vô căn cứ" và cáo buộc ông Pompeo đang nỗ lực "vu khống" Trung Quốc để giúp Tổng thống Trump tái đắc cử.

Tàu container của Trung Quốc và các quốc gia châu Á cập cảng Long Beach, bang California, Mỹ.  								     Ảnh: AFP/TTXVN
Tàu container của Trung Quốc và các quốc gia châu Á cập cảng Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chưa dừng lại ở cuộc chiến thông tin với những màn đấu khẩu lẫn nhau, căng thẳng Mỹ - Trung đang có dấu hiệu lan sang lĩnh vực thương mại khi Tổng thống Trump dọa sẽ chấm dứt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nếu Trung Quốc không tuân thủ các cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang thúc đẩy một sáng kiến nhằm đưa chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu rời khỏi Trung Quốc, trong bối cảnh Washington đang cân nhắc mức thuế trừng phạt mới áp lên hàng hóa của Bắc Kinh.

Các nguồn tin cho hay Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác của Mỹ đang tìm cách thuyết phục các công ty nước này chuyển cả nguồn cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các ưu đãi thuế và chính sách hỗ trợ dịch chuyển đang được cân nhắc để đẩy nhanh sự thay đổi trên. Ngoài ra, các cơ quan của Mỹ đang thăm dò để xem xét ngành chế tạo nào được coi là "thiết yếu" và làm thế nào để sản xuất những hàng hóa này bên ngoài Trung Quốc.

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro hôm 4-5 cũng cho biết Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh có thể giới hạn việc nhập khẩu linh kiện cho hệ thống lưới điện nước này từ Nga và Trung Quốc, đồng thời sẽ sớm ban hành một sắc lệnh riêng yêu cầu các cơ quan liên bang mua sản phẩm y tế do các công ty Mỹ sản xuất.

Nhân viên sắp xếp hoa quả tại siêu thị ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên sắp xếp hoa quả tại siêu thị ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Keith Krach, người phụ trách bộ phận tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết Mỹ đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc trong vài năm qua. Nhưng trước những ảnh hưởng khủng khiếp của dịch viêm đường hô hấp Covid-19, Washington đang đẩy mạnh hơn nữa việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước “thân thiện” hơn. Các cuộc thảo luận về việc di chuyển chuỗi cung ứng trong Chính quyền Tổng thống Trump cũng được cho là đang diễn ra một cách cụ thể, mạnh mẽ và đặc biệt là mang tính đa phương.

"Tái áp đặt hoặc mở rộng thuế quan vào thời điểm này, ngay giữa đại dịch Covid-19 và tỷ lệ thất nghiệp ở mức trên 20% sẽ khiến cho việc biện minh về mặt kinh tế hoặc bào chữa về mặt chính trị trở nên khó khăn hơn nhiều", Scott Kennedy - một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế nhận định trên Asia Times.

Trong 2 năm qua, Tổng thống Trump đã áp thuế quan lên khoảng 370 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc cũng đáp trả với hơn một nửa hàng xuất khẩu của Mỹ. Thỏa thuận ký kết ngày 15-1-2020 được xem như một thỏa thuận "đình chiến" trong cuộc chiến thương mại giữa hai bên và được đánh giá là sẽ thúc đẩy một kỷ nguyên mới trong quan hệ đối tác thương mại. Dù vậy, sự “ấm lên” này nhanh chóng bị lu mờ khi Mỹ và Trung Quốc đổ lỗi cho nhau về cuộc khủng hoảng y tế công cộng toàn cầu Covid-19 và sự sụt giảm nghiêm trọng về kinh tế.

Một số nhà quan sát nhận định những điều khoản trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là những cam kết mua hàng, cho thấy sự không thực tế ngay từ đầu. Dịch Covid-19 chỉ là "chất xúc tác" làm nổi cộm những vấn đề trong thỏa thuận này. Trung Quốc cam kết chi 53,4 tỷ USD mua năng lượng Mỹ trong 2 năm. Tuy nhiên, Hội đồng Sản xuất và Khai thác Mỹ thông báo tháng trước rằng Trung Quốc chỉ mới mua "một lượng tối thiểu dầu thô Mỹ trong những tháng đầu tiên của năm 2020, trong khi lại tăng cường mua dầu thô từ Saudi Arabia và Nga".

“Quay trở lại áp thuế rõ ràng sẽ khiến Trung Quốc bị tổn thất khi nền kinh tế nước này đang vật lộn trước sự lao dốc về nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu cũng như trong nước. Các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc trong mùa xuân này đã đặc biệt chú ý đến yêu cầu cần ổn định thương mại quốc tế và duy trì nguồn cung ứng hiện tại", George Magnus, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford nhận định, đồng thời đánh giá rằng, điều đó cho thấy phía Trung Quốc đã nhận thức rõ những thiệt hại về thương mại của họ trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, áp thuế Trung Quốc không có nghĩa là Mỹ sẽ không chịu ảnh hưởng gì. Các công ty Mỹ vốn đã oằn mình hứng chịu ảnh hưởng từ các khoản thuế hiện hành đang càng tỏ ra lo ngại hơn, đặc biệt khi doanh số của họ giảm mạnh do dịch Covid-19. Nhiều công ty Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào hoạt động sản xuất của họ tại Trung Quốc cũng như phụ thuộc rất lớn vào thị trường có 1,4 tỷ dân này.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.