Multimedia Đọc Báo in

Thông tin y dược mới

09:34, 20/07/2012

 

1.Thử máu phát hiện sớm nguy cơ tái phát ung thư vú  

Một nghiên cứu mới do ĐH Texas (OUT) Mỹ vừa công bố vào trung tuần tháng 6 vừa qua cho biết đã tìm ra phương pháp thử máu mới để biết nguy cơ tái phát ung thư vú. Tiến sĩ Simi Paknika, người đứng đầu nghiên cứu cho biết, bằng cách thử máu người ta sẽ biết được số lượng tế bào ung bướu tuần hoàn trong máu. Đây chính là chỉ số quan trọng để biết được nguy cơ tái phát của bệnh ung thư vú ở phụ nữ. Phương pháp thử nói trên đã được thử nghiệm ở 304 bệnh nhân ung thư vú, số lượng tế bào ung bướu tuần hoàn (CTC) đã được đo ngay trong khi phẫu thuật, 3 năm sau đó nhóm người này vẫn được theo dõi chặt chẽ. Theo đó những ai trong máu có càng nhiều tế bào CTC thì mức độ tái phát rất cao và tuổi thọ càng bị thu hẹp. Cụ thể, phát hiện thấy trong số này có 73 người có tế bào CTC rất cao, hậu quả tỷ lệ tái phát bệnh rất lớn. Cũng theo tiến sĩ Simi Paknika, phương pháp trên cũng có thể áp dụng ở nhóm người bệnh không di căn để biết được mức độ tiến triển của bệnh.

2. Bệnh nhân đái tháo đường dễ mắc bệnh ung thư máu

Đó là cảnh báo của các chuyên gia ở Bệnh viện Miriam Hispital (Mỹ) sau khi phân tích kết quả 26 nghiên cứu khoa học được thực hiện trong thời gian gần đây ở nhóm người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 2. Để có kết luận, các nhà khoa học còn tiến hành phân tích trên 17.000 trường hợp mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 và ung thư máu trên quy mô toàn cầu. Kết quả, nhóm người mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 dễ mắc bệnh ung thư hệ bạch huyết, bệnh bạch cầu và ung thư hệ bạch huyết phi Hodgkin, ung thư hệ bạch huyết tế bào T ngoại biên. Tuy nhiên, mức độ mắc bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chủng tộc, giới tính và địa danh cư trú. Ví dụ, những người ĐTĐ tuýp 2 ở châu Á và châu Âu dễ bị mắc bệnh ung thư hệ bạch huyết phi Hodgkin còn nhóm người ở Mỹ lại chỉ mắc bệnh ung thư hệ bạch huyết. Tỷ lệ mắc bệnh chung ở nhóm ĐTĐ tuýp 2 mắc bệnh ung thư máu là 5%. Theo ông Jorge Castillo, chủ trì đề tài, đến nay người ta vẫn chưa tìm được nguyên nhân của hiện tượng trên, song người ta lại chú ý đến một số yếu tố cấu thành như béo phì, ít vận động thể chất và các thói quen gây bệnh như hút thuốc lá, lạm dụng rượu và chất kích thích... tất cả những yếu tố này không chỉ làm tăng bệnh ĐTĐ mà còn là mầm mống làm gia tăng bệnh ung thư máu và nhiều chứng bệnh ung thư khác đã từng được phát hiện như ung thư gan, ung thư tuyến tụy và ung thư tủy xương.

3. Thuốc trị ung thư Drugbots

Ung thư là thuật ngữ nói về trên 200 dạng bệnh khác nhau chứ không đơn thuần là một căn bệnh  riêng lẻ nên việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn, trong đó việc tiêu diệt tế bào ung thư không hề đơn giản như giả định. Hiểu cặn kẽ nguyên nhân của từng dạng ung thư thì mới có thể điều trị khỏi bệnh. Nhằm sớm đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia ở ĐH Harvard (Mỹ) mới đây đã nghiên cứu ứng dụng ADN để tạo ra một loại thuốc lập trình sẵn có tên là Drugbots (Anti-Cancer Programmable Drugbots), có khả năng trị từng dạng ung thư khác nhau. Drugbots là một chất mang ADN siêu nhỏ có chứa hóa chất và các cảm biến phân tử để phát hiện nhanh kẻ thù. Khi phát hiện ra tế bào gây bệnh, nó sẽ tự mở và truyền thuốc vào đúng môi chất gây bệnh theo một lập trình đã định. Qua các thử nghiệm cho thấy khi phát hiện thấy các tế bào khuyết tật, Drugbots tự kích hoạt và tìm diệt tế bào ung thư rất hiệu quả. Cụ thể, trong thử nghiệm, Drugbots đã tìm được các tế bào lymphoma và các khối u nguyên bào thần kinh, có thể phân biệt được tế bào ốm yếu và tế bào khỏe mạnh trước khi tiêu diệt tế bào ốm yếu mà không hề ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh kề cạnh.

4. Phát hiện tế bào gốc gây bệnh tim

Tạp chí Nature Comminication số ra đầu tháng 6-2012 đã công bố nghiên cứu do nhóm chuyên gia ĐH UC Berkeley (UCB) Mỹ thực hiện và phát hiện ra một loại tế bào gốc là thủ phạm gây bệnh tim ở con người lúc cuối đời. Phát hiện trên được xem là rất mới, mở ra những hiểu biết của con người về nguyên nhân gây bệnh tim, đặc biệt là bệnh xơ cứng động mạch. Theo giáo sư Song Li, trưởng nhóm đề tài thì đây là tế bào gốc tiềm tàng trong thành tế bào máu và người ta có cảm giác nó đang "nằm im" chờ đợi, nhưng vào cuối đời, khi sức khỏe bắt đầu có vấn đề thì nó sẽ bắt đầu "trỗi dậy" làm giảm số lượng các tế bào chức năng, làm cho mạch máu trở nên cứng lại, gây tắc nghẽn mạch và tạo ra nhiều căn bệnh nan y như đột quỵ hay cơn đau tim.  Trước đây, người ta thường có quan niệm cho rằng, theo thời gian các tế bào cơ trơn trong lớp lót thành động mạch sẽ bị lão hóa dẫn đến cứng, giòn là làm lão hóa động mạch, thủ phạm gây bệnh tim, nhưng theo nghiên cứu nói trên thì các tế bào cơ trơn không phải là thủ phạm chính mà là tế bào gốc vừa tìm thấy, được nhóm nghiên cứu gọi là tế bào gốc mạch máu, có thể phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau (multipotent vascular stem cells) song bề ngoài lại không khác gì tế bào cơ trơn (Smooth muscle cells) và do có số lượng ít nên trước đây khoa học chưa tìm thấy. Vào cuối đời khi cơ thể suy yếu, các tế bào này sẽ bắt đầu phát huy vai trò làm cho mạch máu cứng lại, tắc nghẽn và cuối cùng gây bệnh tim nan y nguy hiểm.

K.N (Theo SCN - 6/2012)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.