Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Đa khoa huyện Lak: Đẩy mạnh hỗ trợ y tế cơ sở

04:50, 03/04/2012

Sau hơn 2 năm thực hiện ÐĐề án 1816 của Bộ Y tế về tăng cường cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới, những cán bộ bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Lak được cử đi luân phiên đã hướng dẫn nhiều kỹ thuật và truyền đạt kinh nghiệm trong khám chữa bệnh cho cán bộ trạm y tế xã. Những kiến thức đó đã được áp dụng vào thực tế hằng ngày, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân của tuyến y tế cơ sở.


Bác sĩ Lê Thiên Thanh (Bệnh viện Đa khoa Lak) kiểm tra tình trạng sức khỏe cho người bệnh.

Trong những năm gần đây, hệ thống y tế của huyện Lak đã có bước phát triển mới: cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh được đầu tư; đội ngũ cán bộ, y bác sĩ được tăng cường và có chuyên môn cao; đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở từng bước được củng cố với 100% trạm y tế có bác sĩ. Dẫu vậy, trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển, công tác chăm sóc sức khỏe trên địa bàn cũng đặt ra những đòi hỏi cao hơn, nhất là với tuyến khám chữa bệnh ban đầu. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa và tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ tuyến y tế cơ sở, tiến tới sự công bằng trong khám chữa bệnh đối với nhân dân trên địa bàn, ngay từ đầu năm 2010, BVĐK huyện Lak đã xây dựng kế hoạch luân phiên bác sĩ về xã theo Đề án 1816 nhằm chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Bác sĩ Phạm Ngọc Soạn, Phó Giám đốc BVĐK huyện Lak cho biết, cùng với việc tiếp nhận và thực hiện kỹ thuật mới từ tuyến trên chuyển giao, BV chúng tôi cũng triển khai hoạt động chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Mặc dù lực lượng bác sĩ  còn thiếu, nhưng BV vẫn ưu tiên và phân công các bác sĩ luân phiên về hỗ trợ y tế tuyến xã.

Theo bác sĩ Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp của BV, đến thời điểm này, BV đã cử 14 bác sĩ luân phiên hỗ trợ chuyên môn cho 10/11 trạm y tế xã với những kỹ thuật chuyển giao thuộc về các chuyên khoa như nội, ngoại, sản phụ khoa và một số kỹ thuật sơ cấp cứu thông thường… Song song với việc hỗ trợ tuyến dưới trong công tác khám, chữa bệnh, một nhiệm vụ quan trọng của các bác sĩ đi luân phiên là phải tham gia tích cực vào các hoạt động y tế cộng đồng, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân biết cách tự bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là phòng chống các bệnh dịch nguy hiểm thường gặp tại địa phương như sốt rét, sốt xuất huyết, cúm, tiêu chảy cấp... Mỗi chuyến đi hỗ trợ cho y tế cơ sở chỉ vỏn vẹn 3 tháng nhưng hiệu quả đem lại rất lớn. Đó không chỉ là hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn, trực tiếp cầm tay chỉ việc mà còn là sự truyền đạt kinh nghiệm nghề nghiệp giúp cán bộ, y tế tuyến cơ sở có thêm kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Đề án 1816 được triển khai có hiệu quả, giúp trạm y tế nâng cao chất lượng hoạt động đem lại niềm tin cho người dân. Đơn cử như ở trạm y tế xã Dak Phơi (một xã khó khăn của huyện Lak với 97,6% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, 56,7% số hộ thuộc diện nghèo), từ khi có bác sĩ ở bác sĩ ở BVĐK huyện Lak về tăng cường, công tác khám, chữa bệnh có nhiều thuận lợi, sức khỏe của bà con ngày càng được chăm sóc tốt hơn, các dịch bệnh thường xảy ra bị đẩy lùi, đặc biệt nhận thức của người dân đã nâng cao về phòng chống dịch bệnh. Minh  chứng rõ rệt nhất đó là dịch bệnh tay chân miệng tuy xuất hiện tại nhiều xã trên địa bàn nhưng tại Dak Phơi, ngay cả vào thời điểm đỉnh dịch của năm 2011 vẫn không ghi nhận ca bệnh nào. Bác sĩ Phạm Thế Thắng, Trạm trưởng Trạm Y tế Dak Phơi chia sẻ: có bác sĩ của BV huyện về tăng cường, không chỉ cán bộ, y bác sĩ trạm thấy vui vì được chia sẻ chuyên môn nghiệp vụ mà cả người dân địa phương cũng phấn khởi, tìm đến trạm khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhiều hơn.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.