Multimedia Đọc Báo in

Trạm Y tế xã Buôn Triết: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh

08:47, 27/07/2019

Xã Buôn Triết (huyện Lắk) hiện có trên 1.600 hộ với gần 7.000 nhân khẩu, trong đó có 1.900 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, 1.200 phụ nữ có chồng.

Từ trước năm 2016, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nơi đây còn nhiều hạn chế do đời sống người dân còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, công tác tuyên truyền, vận động còn chủ quan, lơ là, nhiều chị em chưa quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Do vậy, tỷ lệ phụ nữ mang thai khám thai đầy đủ chỉ đạt 40%, khám phụ khoa là 30%, phụ nữ mang thai tiêm phòng uốn ván là 40%, số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại không nhiều, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng vẫn cao. Đặc biệt tình trạng sinh con tại nhà vẫn còn diễn ra.

Xác định công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh là việc làm quan trọng, thiết thực, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho chị em, hằng năm, Trạm Y tế xã Buôn Triết đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn; phối hợp Hội Phụ nữ, Ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xã đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; lập danh sách phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và phụ nữ vừa sinh con để có hình thức và nội dung tuyên truyền phù hợp. Đặc biệt, khi Dự án “Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh cho cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk” được triển khai tại địa phương từ đầu năm 2018, công tác này ngày càng được quan tâm và đạt hiệu quả tích cực.

Cán bộ Trạm Y tế xã Buôn Triết tư vấn chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai.
Cán bộ Trạm Y tế xã Buôn Triết tư vấn chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai.
 

Thời gian tới, Trạm Y tế xã Buôn Triết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh với nhiều hình thức và nội dung phong phú hơn, đa dạng hơn, phù hợp với từng đối tượng; tiếp tục củng cố và kiện toàn mạng lưới y tế thôn, buôn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ để hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân luôn được thực hiện hiệu quả”.

 
Bác sĩ Lã Quý Thơ, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã Buôn Triết

Điều dưỡng Nguyễn Thị Oanh, phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Trạm Y tế xã Buôn Triết cho biết: Trước đây, công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng có thực hiện nhưng chủ yếu lồng ghép vào các hoạt động của Hội Phụ nữ, chính quyền địa phương, còn hoạt động riêng của ngành Y tế hầu như không có do không có kinh phí và cũng chưa có kinh nghiệm để đứng ra tổ chức.

Từ khi Dự án “Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh cho cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk” được triển khai tại xã Buôn Triết, cán bộ Trạm Y tế phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và cộng tác viên y tế tất cả các thôn, buôn của xã được tham gia các lớp tập huấn. Ngoài ra, Dự án cũng đã hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn tổ chức hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng 1 quý/1 lần/1 thôn, buôn…

Nhờ triển khai tích cực các hoạt động tuyên truyền, vận động nên nhận thức của chị em đã có những thay đổi tích cực. Hầu hết, các hộ gia đình trong xã đã nắm được kiến thức cơ bản về thực hành chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai đã biết đến Trạm Y tế để được khám, tư vấn và quản lý thai nghén, sinh con tại cơ sở y tế, biết chăm sóc sau sinh, trẻ em được tiêm phòng đầy đủ. Theo thống kê của Trạm Y tế xã Buôn Triết, hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ đầy đủ các mũi vắc xin đạt 93%; quản lý thai nghén đạt 95%; phụ nữ mang thai khám thai đầy đủ đạt 85%; khám phụ khoa định kỳ đạt 85%; tiêm phòng uốn ván khi mang thai đạt 100%. Đặc biệt, không còn tình trạng sinh con tại nhà.

Chị H’Hương Bđáp, ở buôn Ya Tu, xã Buôn Triết chia sẻ: “Trước đây, khi sinh đứa con đầu lòng, tôi không đến Trạm Y tế để theo dõi và chăm sóc thai nghén nên khi sinh con tôi rất lo lắng. Bây giờ tôi đang mang thai đứa thứ hai được 8 tháng, được cộng tác viên y tế buôn đến nhà vận động, tôi đã đến Trạm khám và thực hiện quản lý thai nghén đầy đủ, lại được cán bộ y tế nhiệt tình tư vấn về chế độ dinh dưỡng, lao động, nghỉ ngơi và cách phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai nên tôi rất yên tâm, không lo lắng như đứa con đầu…”.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.