Multimedia Đọc Báo in

Điều trị bệnh vảy nến ở phụ nữ mang thai

09:12, 28/02/2021

Vảy nến là bệnh lý da mạn tính, tồn tại dai dẳng suốt cuộc đời của người mắc bệnh.

Mặc dù vảy nến không ảnh hưởng đến khả năng mang thai của phụ nữ, không gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi, sảy thai nhưng trong suốt quá trình mang thai, điều đáng lo ngại nhất cho phụ nữ bị vảy nến là thuốc điều trị bởi có những loại thuốc an toàn, nhưng có nhiều loại cũng gây ảnh hưởng tới thai nhi.

Phát hiện mình mắc bệnh vảy nến cách đây 5 năm và đã đi nhiều nơi để chữa bệnh, dùng đủ loại thuốc uống, bôi nhưng vẫn không chữa được bệnh, chị V.T.T. (trú TX. Buôn Hồ) đành chấp nhận sống chung với bệnh. Sau đó, chị lập gia đình và mang thai. Lúc biết tin, chị vừa mừng vừa lo vì sợ căn bệnh của mình sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến con. Chị T. tâm sự: “Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con, tôi thường xuyên đến bác sĩ da liễu để khám, tư vấn và được kê các loại thuốc phù hợp”.

Bác sĩ Trung tâm Da liễu tỉnh tư vấn cho một bệnh nhân mang thai  mắc bệnh vảy nến. Ảnh: Quang Nhật
Bác sĩ Trung tâm Da liễu tỉnh tư vấn cho một bệnh nhân mang thai mắc bệnh vảy nến. Ảnh: Quang Nhật
Để giảm tình trạng ngứa hay khô da do vảy nến gây ra, phụ nữ mang thai có thể sử dụng thuốc điều trị ngoài da như dưỡng ẩm, kem thoa không chứa corticoid... do bác sĩ kê đơn; tránh sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch hệ thống như methotrexate, acitretin, thuốc sinh học...

Theo bác sĩ Hoàng Nguyên Duy, Giám đốc Trung tâm Da liễu tỉnh, bệnh vảy nến hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Người mắc bệnh sẽ bị tổn thương da, điển hình là các mảng viêm, đỏ và có vảy trắng do hiện tượng tăng sinh sừng hóa, ngứa và đau. Bệnh có thể xảy ra bất cứ vị trí nào trên cơ thể, từ móng tay, bộ phận sinh dục đến lòng bàn chân nhưng khu vực thường bị tổn thương nhất là các vùng da xung quanh đầu gối, khuỷu tay, da đầu và thân. Khi mắc bệnh vảy nến, bệnh nhân có thể mắc các bệnh kèm theo như trầm cảm, béo phì, đái tháo đường, viêm khớp vảy nến, bệnh tim mạch. Trung bình cứ ba người bị vảy nến thì có một người bị mắc kèm viêm khớp vảy nến. Viêm khớp này gây hậu quả nghiêm trọng, có thể dẫn đến tàn phế nếu không được chữa trị đúng cách.

Hầu hết người mắc bệnh vảy nến đều cảm thấy lo lắng, tự ti, thậm chí rơi vào tuyệt vọng khi biết mình mắc bệnh. Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh còn chưa được xác định. Bệnh chưa có thuốc đặc trị nên chưa được chữa khỏi hoàn toàn, nhưng những phương pháp điều trị tiên tiến hiện nay (gồm: thuốc bôi, chiếu tia cực tím, thuốc uống và tiêm) có thể giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, vấn đề là người bệnh phải đến điều trị tại các cơ sở y tế uy tín như bệnh viện, trung tâm da liễu để được hướng dẫn điều trị.

Theo các bác sĩ, phụ nữ mắc bệnh vảy nến vẫn mang thai và sinh nở bình thường. Tuy nhiên trong giai đoạn này, người bệnh cần hết sức thận trọng, tuyệt đối không tự ý uống hoặc bôi bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự chỉ định của bác sĩ bởi có nhiều loại thuốc điều trị có thành phần có thể thẩm thấu qua da mẹ vào thai nhi cũng như dẫn đến nhiều tác dụng phụ gây ảnh hưởng tới quá trình phát triển của thai nhi.

Phương Nhiên

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.