Multimedia Đọc Báo in

Bệnh nhân lao ngày càng trẻ hóa

06:20, 02/04/2021

Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp. Nếu trước đây, bệnh lao thường xuất hiện ở những người trên 50 tuổi thì nay căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa rất nhanh.

Theo thống kê của Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, năm 2020 số bệnh nhân lao ở độ tuổi từ 15 - 34 tuổi chiếm 1/3 lượng bệnh nhân lao điều trị tại bệnh viện. Đây là thực tế đáng báo động, bởi đây là độ tuổi mà sức lao động và trí tuệ của con người đang ở độ phát triển tốt nhất. Mắc bệnh lao đồng nghĩa với việc giảm năng suất lao động, giảm khả năng phát triển kinh tế gia đình và xã hội.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 30 nước chịu gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Tại Đắk Lắk, theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, số lượng bệnh nhân lao những năm gần đây không có chiều hướng giảm, thậm chí còn tăng. Cụ thể, năm 2019 bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 990 bệnh nhân lao; năm 2020 số bệnh nhân là 1.109. Đặc biệt, 1/3 trong số đó ở độ tuổi lao động và nhiều người trong số đó không có kiến thức về bệnh lao. Đáng lưu ý, năm 2020 bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 23 bệnh nhân mắc lao kháng thuốc, trong đó có 15 bệnh nhân ở độ tuổi từ 18 - 30, chiếm tỷ lệ 65%. Hầu hết số bệnh nhân này đều là công nhân, đang làm việc tại khu công nghiệp, nhà máy ở các tỉnh phía Nam.

Bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh khám bệnh cho bệnh nhân lao.    Ảnh: Quang Nhật
Bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh khám bệnh cho bệnh nhân lao. Ảnh: Quang Nhật
Khi có các biểu hiện như: Ho, khạc đờm nhiều kéo dài trên 2 tuần, gầy, sút cân, hay đổ mồ hôi trộm, sốt về chiều, ho ra máu… cần đến bệnh viện chuyên khoa lao phổi để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chữa trị sớm, đúng phác đồ.

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân H’N.Hmok (19 tuổi, ở huyện Cư Kuin) đang điều trị bệnh lao tại khoa Nội 3, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh. H’N. đang làm công nhân may mặc tại TP. Hồ Chí Minh; cách đây khoảng 2 tháng thì có biểu hiện mệt mỏi, hay sốt về chiều, khạc đờm nhiều. Gia đình đã mua thuốc cho H’N. uống nhưng các triệu chứng không giảm. H’N. đi khám và được xác định là mắc bệnh lao phổi. Cô hiện đang mang thai tháng thứ bảy, người gầy gò, xanh xao. Điều này khiến việc điều trị bệnh khó khăn hơn vì một số loại thuốc chữa bệnh lao chống chỉ định với người mang thai. Một trường hợp khác là bệnh nhân Lê C.N. (25 tuổi, ở TP. Buôn Ma Thuột) được gia đình đưa đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cấp cứu trong tình trạng ho ra máu nhiều. Mặc dù bệnh nhân chưa thể làm xét nghiệm đờm để xác định bệnh nhưng theo các y bác sĩ, kết quả chụp X-Q phổi của bệnh nhân cho thấy phổi bị tổn thương nhiều, khả năng cao là mắc lao phổi.

Bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cho biết, chỉ có khoảng 5 - 10% người nhiễm vi khuẩn lao tiến triển thành bệnh lao. Lý do khiến nhiều người trẻ hiện nay mắc bệnh lao có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Cụ thể như: Môi trường làm việc không bảo đảm (tập trung đông người trong một không gian hẹp, kín, đặc biệt, tại các kho, xưởng đông lạnh, nhiệt độ thấp ẩm là điều kiện thuận lợi làm vi khuẩn lao phát triển và lây lan mạnh); lối sống, ăn uống, vận động không khoa học (ăn không đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên thức khuya, làm việc quá sức, hút thuốc lá, uống bia rượu… làm sức khỏe giảm sút, sức đề kháng yếu khiến vi khuẩn lao dễ tấn công và gây bệnh).

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, những bệnh nhân trẻ đang điều trị lao kháng thuốc đều mắc vi khuẩn lao kháng thuốc ngay từ đầu. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn lây bệnh lao nói chung, lao kháng thuốc nói riêng tiềm ẩn trong cộng đồng vẫn còn rất nhiều. Đây là thực trạng đáng lo ngại vì nếu bệnh nhân mắc lao không được phát hiện, chữa trị và quản lý điều trị sẽ lây lan rộng ra cộng đồng.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam phải thanh toán bệnh lao. Theo các bác sĩ chuyên khoa, do bệnh lao và Covid-19 có những đặc điểm tương đồng nên công tác phòng chống lao cũng cần phải thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt như phòng chống Covid-19 thì Việt Nam mới có khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra là thanh toán bệnh lao vào năm 2030.

Để phòng tránh bệnh lao, mỗi người cần thực hiện các biện pháp sau: Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn; ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn để tăng cường sức đề kháng; hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện ho, hắt hơi. Trẻ em cần tiêm vắc xin phòng bệnh lao trong vòng 1 tháng đầu sau sinh.

Thu Huế

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.