Multimedia Đọc Báo in

Không dừng lại ở hấp thu công nghệ

08:00, 19/05/2019

Đã 30 năm lắp ráp, gia công, đã đến lúc người Việt Nam có đủ điều kiện, tố chất tốt để sáng tạo công nghệ và sản phẩm công nghệ.

Ở Việt Nam hiện nay, trong lĩnh vực ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), có gần 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động với doanh thu khoảng 100 tỷ USD. Thương mại trên nền tảng số mới đem lại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng 3,5 tỷ USD, 1,7% GDP. Tại Diễn đàn quốc gia đầu tiên về phát triển doanh nghiệp công nghệ được tổ chức mới đây, những con số trên được đặt ra cao hơn, tăng theo cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng. Mục tiêu sắp tới là có 100.000 doanh nghiệp, thay vì lắp ráp, gia công theo kiểu hấp thu, nhập sản phẩm, dây chuyền công nghệ đơn thuần thì chuyển hướng làm chủ công nghệ, phát minh, sáng chế công nghệ. Theo đó dự báo thương mại sẽ đạt 42 tỷ USD vào năm 2030 thông qua thúc đẩy công nghệ số để tăng năng suất lao động, giảm chi phí…

Cách mạng 4.0 là cơ hội vàng cho những ý tưởng sáng tạo mới, thay đổi trật tự kinh doanh. Các nền kinh tế sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố đầu vào truyền thống như lao động giá rẻ, đất đai, tài nguyên… sang mô hình tăng trưởng do công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy. Việc tạo dựng và phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có ý nghĩa quan trọng để nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị. Đó cũng là nguồn kích thích để phát triển thị trường lao động kỹ thuật cao bởi thực tế trên cả nước, số công nhân có trình độ này mới chỉ chiếm con số rất khiêm tốn: chưa đến 19%. Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một Việt Nam “hóa rồng” vào năm 2045. Tại Diễn đàn, chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ đã được xác định rõ ràng, đó là: sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất (Make in Việt Nam).

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Muốn có và phát triển mạnh doanh nghiệp công nghệ, nhiều vấn đề được đặt ra, trong đó việc tạo ra thị trường là quan trọng nhất bởi không có gì lan tỏa nhanh công nghệ bằng sức mạnh của thị trường. Vì vậy, để “Make in Việt Nam” thành công thì đầu tiên, then chốt nhất phải là hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, đặc biệt coi trọng đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển của từng cấp, từng ngành và từng doanh nghiệp. Thêm nữa, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ thử sức, có thể thí điểm xây dựng các khu công nghệ, khu đổi mới sáng tạo - là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho loại hình doanh nghiệp này; thí điểm triển khai các mô hình kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số tại một số địa phương, một số ngành, làm cơ sở nghiên cứu, tổng kết để áp dụng trên toàn quốc.

Liên quan đến vấn đề này, một tin vui khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong năm 2019 sẽ sớm ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số để tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ. Thủ tướng sẽ có văn bản giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu việc đổi mới giáo dục dạy ICT và ngoại ngữ bắt buộc từ cấp tiểu học để nâng cao năng lực tiếp cận, kỹ năng công nghệ thông tin; giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tin soạn thảo Chiến lược về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để trình Thủ tướng trong tháng 6, từ đó, tạo cơ sở pháp lý để triển khai.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.