Multimedia Đọc Báo in

Nguồn nhân lực du lịch: Tiềm năng lớn từ cộng đồng

08:46, 21/04/2019
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay có nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là những nghi lễ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể và mang tính cộng đồng sâu sắc.
 
Khác với mọi năm trong chương trình dâng hương chỉ có sự tham gia của huyện Lâm Thao, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch để tất cả các huyện, thành phố, thị xã lần lượt tổ chức dâng hương tại Đền Hùng.
 
Thêm nữa, Phú Thọ khuyến khích các gia đình trong toàn tỉnh chuẩn bị “mâm cơm tri ân” đầm ấm để tưởng nhớ công đức tổ tiên vào thời điểm Chủ lễ đọc chúc văn buổi sáng ngày Giỗ Tổ mùng 10-3. Lễ hội dân gian đường phố với chủ đề “Việt Trì - Thành phố lễ hội về với cội nguồn” - một điểm nhấn của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay cũng hạn chế trình diễn mô hình mà tăng diễn xướng dân gian, tăng tính nghệ thuật của các tiết mục biểu diễn, đồng thời vận động được sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư… Với cách làm này, Lễ hội Đền Hùng đã khéo léo “kéo” người dân tham gia, thậm chí trở thành chủ thể của nhiều hoạt động du lịch văn hoá.
 
Không chỉ có Lễ hội Đền Hùng năm nay mà những năm gần đây, các chương trình, hoạt động về cộng đồng làm du lịch được chú ý và coi trọng hơn. Có rất nhiều câu chuyện thực tế đã minh chứng ứng xử của người dân là yếu tố quan trọng thu hút, góp thêm sự hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Ấy là tại Hội An (tỉnh Quảng Nam), sáng sớm vào xem hàng mà không mua người dân rất vui vẻ, lại còn hướng dẫn đường đi. Những chị bán chè, bán gánh cũng biết thu hút du lịch.
 
Hay như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua, ông bán nước bưng bát nước chè đến tận tay các phóng viên quốc tế, đã tạo nên hình ảnh vô cùng thân thiện và để lại ấn tượng đẹp trong lòng du  khách. Với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột định kỳ 2 năm tổ chức một lần, vai trò của người làm ra hạt cà phê cũng ngày càng được đề cao, họ đã trở thành những nhân vật chính trong câu chuyện về du lịch cà phê. 
 
Người dân đóng góp rất lớn vào thành công của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 - 2019.    Ảnh: H.Gia
Người dân đóng góp rất lớn vào thành công của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 - 2019. Ảnh: H.Gia
Điều đó để thấy rằng, nguồn nhân lực du lịch không chỉ ở các đơn vị, công ty du lịch; đó còn là người dân và các cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động du lịch. Mỗi cá nhân đều có liên quan đến sự phát triển của du lịch Việt Nam bởi đây không chỉ là một lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng mà còn là niềm tự hào, là sức mạnh mềm và ảnh hưởng văn hóa của Việt Nam trên toàn cầu.
 
Tại Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam với chủ đề "Đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn" được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự tin tưởng rằng với khoảng 100 triệu người Việt Nam trong nước và nước ngoài, nguồn nhân lực của nước ta hoàn toàn không thiếu cả lượng lẫn chất.
 
Điều cốt yếu là chúng ta phát huy được tốt nhất những tiềm năng trong mỗi người Việt Nam bằng môi trường chính sách, đãi ngộ tốt, mỗi doanh nghiệp cần có một cơ chế quản trị tương xứng với thành quả, năng lực đóng góp, đồng thời thu hút những lao động có kỹ năng từ các lĩnh vực khác tham gia vào ngành Du lịch.
 
Khẳng định sự quan trọng của nguồn nhân lực từ cộng đồng, để đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, Thủ tướng đã đề cập đến 3 chữ “C”. Trong đó, chữ “C” thứ nhất được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là “Con người” với nội hàm cần nâng cao ý thức, sự hiếu khách, sẵn sàng giúp đỡ khách du lịch của người dân, đặc biệt là người dân bản địa. Chữ “C” thứ hai là “Cơ sở hạ tầng”, gồm hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối giao thông, hạ tầng mềm, đặc biệt là văn hóa và hạ tầng thông minh như Chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Chữ “C” thứ ba là “Chiến lược” với việc cần đưa ra tầm nhìn chiến lược dài hạn, phương hướng hành động mỗi năm của ngành Du lịch cùng với các ngành để thực thi tốt, cân bằng được giữa kinh tế, văn hóa, môi trường, trong đó có chiến lược về đào tạo lao động, bảo đảm số lượng đi liền với chất lượng.
 
Đàm Thuần
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.