Multimedia Đọc Báo in

Từ sông Krông Bông (kỳ2)

08:50, 21/08/2013

Kỳ 2

Khi Hà đến buôn thì mặt trời sắp lặn xuống bên kia đỉnh Giăng-Gri. Ngồi nghỉ trên mấy cây gỗ giữa buôn, Hà mới có dịp ngắm nhìn quang cảnh một buôn làng Êđê mà từ lâu anh đã nghe nói.

Chiều xuống êm ả dưới ánh nắng vàng yếu ớt. Trời không một ngọn gió. Cây cối quanh buôn đứng im phăng phắc, có vẻ trầm tư trước màn đêm sắp trùm xuống. Những sợi khói bếp thâm tím, bốc lên thẳng đứng rồi lặng lẽ tan trong ánh nắng chiều. Một con voi già cắm cúi bước về buôn, chân kéo dây xích sắt dài gần bằng một sải tay lướt trên mặt cỏ, không vang một tiếng động. Trước mặt anh, đứa bé gái xua đàn gà con dưới sàn nhà và một con chó con màu nâu cũng chạy luẩn quẩn theo đàn gà. Anh nghe thoang thoảng đâu đây mùi cá nướng.

Hà thấy trong buôn chỉ còn một căn nhà dài chừng năm mươi thước, mái lợp tranh đã cũ, đuôi tranh mục lỗ chỗ và phần gỗ lót đầu sàn không có mái che, nhiều cây to bằng bắp chân mục gãy, chưa kịp thay cây mới vào.

Trên tấm gỗ làm cầu lên xuống được đẽo nhiều bậc, có hình đôi vú to như hai quả bầu con, một bên còn nguyên, một bên đã vỡ một nửa. Còn hầu hết các nhà khác trong buôn, hình như được làm mới đây, toàn tranh tre vách nứa, qui mô nhỏ cho từng hộ.

Khi đứng trên dốc cuối buôn, mặc dù vai gánh nặng hai mảng sườn min, nhưng Hà vẫn thấy xúc động đến bàng hoàng trước vẻ đẹp của bến nước. Anh dừng lại ngắm trong giây lát. Con suối toàn đá màu xanh, màu xám mốc, lớn nhỏ đủ cỡ. Mấy tảng đá giữa dòng suối to, mặt phẳng hơi nghiêng, rộng đến ba bốn chiếc chiếu. Nước suối trong vắt, có thể nhìn thấy rõ từng hòn đá trứng ngỗng nổi trên lớp đá sỏi cỡ ngón chân. Dọc theo hai bên suối là lớp lớp cây lâu năm, phần lớn là cây bằng lăng, cành lá xanh tươi, che rợp cả một vùng. Ánh nắng chiều yếu ớt xuyên qua rừng cây, tạo nên những luồng ánh sáng lớn với vô số hạt vàng lóng lánh xuyên qua mặt suối. Con suối hơi dốc, ít nước, chảy từ phía bắc xuống. Người ta dùng đá chắn thành một đập nước nhỏ. Rồi chêm xuống phía dưới các phiến đá một dãy đến mười chiếc ống lồ ô già để nước chảy thành vòi. Tại các vòi nước chảy tong tong là cảnh rộn rịp, vui vẻ của buôn làng trước khi ngày tắt nắng. Phần đông đàn bà con gái tắm giặt ở đây. Những em bé ở trần ngồi dưới vòi nước. Các cô gái mặc yêng kéo lên sát nách. Bầu nước đựng đầy gùi. Những ống lồ ô lớn dài chừng hai mét đã chứa đầy nước đựng dựng hai bờ suối. Tiếng cười nói. Tiếng nước chảy tong tong. Tiếng đập giặt quần áo. Mùi sả, mùi bồ kết, mùi nghệ, mùi thịt da hăng hắc. Những bà già cõng nặng gùi nước, cúi gập lưng lên dốc. Có người đứng nghỉ giữa dốc, dùng gậy chống dưới đít gùi. Trên dốc phía bên kia, xuất hiện mấy cậu thanh niên đi rẫy về, nói to tiếng những gì mà Hà không hiểu, chỉ biết là sau đó, mấy cô đang tắm nhao nhao đáp lại rồi cười vang, có cô bốc sỏi ném vùn vụt... Một con chó vện rất to từ trong đám thanh niên bất thần lao như tên bắn xuống nước, đâm bổ vào đám con gái đang tắm. Bến nước càng trở nên huyên náo, ồn ào.

Ra khỏi buôn, bọn Hà gặp vợ chồng người Ê Đê đã đứng tuổi từ rẫy về. Anh chồng có thân hình cao to, vạm vỡ, bộ ngực trần như được tạc bằng gỗ mun đen bóng, chắc nịch. Tóc quăn đen nhánh, cứ ngỡ như được tài nghệ của một thợ cắt tóc lão luyện chăm sóc. Anh ta chỉ mặc một chiếc khố đen cũ bạc thếch, có đôi cánh tay rất dài, tay phải đu đưa theo nhịp bước chân, còn tay trái thì giữ chiếc cán xà gạt dài đến một mét đang vác trên vai. Trên phần sau lưỡi xà gạt treo lủng lẳng một con sóc màu nâu to bằng bắp tay, đã chết vì bẫy kẹp. Cứ thế, anh chồng thủng thẳng đi như đếm từng bước, vẻ mặt trầm tư, để lại dưới mặt đất bột hai hàng dấu bàn chân như đánh dấu cho vợ bước theo sau. Còn chị vợ vừa cúi gập người vừa thở để cõng trên lưng một gùi củi chèn cứng, cao quá đầu người. Qua lớp mồ hôi lấm tấm, khuôn mặt của chị vợ nom già hơn anh chồng đến mười lăm tuổi.

Một anh bạn của Hà quen cặp vợ chồng đó.

Anh ta lêng tiếng chào:

- Ớ, Ama Bốc! Đi rẫy về đó à?

Anh chồng ngẩng mặt lên cười, cái cười bẽn lẽn ngồ ngộ, lộ rõ hai hàng chân răng cưa sát lợi.

- Ớ, chào cán bộ. Mình đi rẫy về.

- Sao không mang gùi giúp vợ?

- Ứ ứ... Nó mang.

- Anh khỏe như con trâu, lại đi không. Còn chị ấy, anh nhìn kia kìa, chị muốn đứt hơi mất.

- Ứ, cán bộ không biết đó. Làm nhà, phát rẫy là chuyện của đàn ông. Nấu cơm, làm cỏ, tuốt lúa là chuyện của đàn bà. Ông bà dạy như vậy.

- Không được, không được thế đâu. Mình phải nghe lời cách mạng, biết giúp vợ mình trong những công việc nặng nhọc.

Anh chồng cười, lại một nụ cười bẽn lẽn. Rồi chia tay.

Lát sau, anh bạn nói với Hà:

- Anh nghe rõ phần việc của người chồng, người vợ chứ? Năm ngoái, tôi vô nhà Ama Bốc chơi. Cha nớ vừa ngồi bên bếp lửa vừa hút thuốc bằng chiếc ống điếu to đùng, vừa kêu đói bụng. Tôi hỏi sao không nấu cơm ăn. Cha nớ nói là vợ bị đau nặng, chưa nấu được. Trong lúc đó, chị vợ sốt mê man, nằm bẹp dí trong góc sàn nhà. Tôi nói vợ đau thì mình nấu cho mình ăn, cho vợ ăn chớ sao. Anh biết không, cha nớ lắc đầu, lại cười nữa: “ứ, ứ, giàng không cho làm vậy đâu. Chờ một đỗi hết sốt, nó nấu cơm cho mình”. Lúc mùa lúc chín, cánh đàn ông ở nhà ôm ché rượu cần hoặc dạo rừng bẫy thú, mò cá, lấy mật, không thèm để ý mấy bà vợ đang tuốt lúa đến chảy máu tay ngoài rẫy. Lỡ mưa dầm lâu ngày, lúa có rụng, mấy ông chồng ấy cũng không rớ đến. Lạ thật.

Tự dưng Hà cảm thấy buồn man mác. Anh nói nhỏ:

- Ừ, lạ thật.

Bất chợt một chiếc phản lực B.57 lướt soàn soạt trên đầu họ, tiếng của nó nghe như tiếng những tấm tôn kẽm đột ngột bị người ta rút khỏi mái nhà, rợn cả người.

Cánh rừng rung chuyển trong ánh hoàng hôn vừa tắt.

(Còn nữa)

Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.