Multimedia Đọc Báo in

Vũ Bằng - nhà văn của tình yêu quê hương, đất nước

09:55, 28/12/2016
Hơn hai phần ba cuộc đời, nhà văn tài hoa Vũ Bằng (1913-1984) phải chịu nhiều oan khuất, khổ đau. Một thời gian dài, do mất liên lạc và thiếu thông tin, ông bị nghi là người “di cư theo giặc”, “phản bội cách mạng”. Thế nhưng, khi những khuất lấp được làm sáng tỏ, Vũ Bằng được phục hồi danh dự, người ta mới nhận ra rằng, không chỉ là chiến sĩ quân báo trung thành của cách mạng, tác giả “Thương nhớ mười hai” nổi tiếng còn là nhà văn trọn đời luôn nặng tình với đất nước, quê hương… 

Nhà văn Vũ Bằng tên thật Vũ Đăng Bằng, thuộc dòng họ Vũ Hồn, quê gốc Hải Dương, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Năm 1948, sau một thời gian tản cư ra vùng kháng chiến, chấp nhận mang tiếng là nhà văn tiểu tư sản “dinh tê”, “về thành”, Vũ Bằng lặng lẽ trở về Hà Nội hoạt động trong mạng lưới tình báo của cách mạng. Trong thời gian này, bạn bè, nhất là các nhà văn đồng nghiệp hầu như đều hiểu nhầm Vũ Bằng “phản bội”. Nhiều người cho rằng, Vũ Bằng chính là nguyên mẫu của hình tượng Hoàng, một nhà văn tiểu tư sản xa rời quần chúng trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao. Đó là lần Vũ Bằng chịu oan khuất thứ nhất.

Nhà văn Vũ Bằng (1913-1984) (Ảnh: vannghenamdinh.com.vn)
Nhà văn Vũ Bằng (1913-1984) (Ảnh: vannghenamdinh.com.vn)

Năm 1954, nhận nhiệm vụ mới, để lại vợ và con trai ở Hà Nội, Vũ Bằng lặng lẽ vượt tuyến vào miền Nam. Tại Sài Gòn, ông tiếp tục làm nhiệm vụ tình báo cho đến ngày cách mạng thành công, đất nước thống nhất 30-4-1975. Tuy nhiên, trong thời gian hoạt động này, do mất liên lạc, Vũ Bằng bị hiểu nhầm là người “quay lưng lại với kháng chiến”, “di cư vào Nam theo giặc”. Đây là lần thứ hai Vũ Bằng chịu tiếng oan. So với lần thứ nhất, lần thứ hai này đau đớn, bi kịch hơn bội lần. Bởi cho đến khi nhắm mắt lìa đời, tác giả có những đóng góp to lớn cho cách mạng và văn học Việt Nam vẫn không được thừa nhận là nhà văn, không được trả lại danh dự, phải chịu cảnh ghẻ lạnh của mọi người, chết đi trong oan ức.

Có thể nói, Vũ Bằng là nhà văn trọn đời hy sinh lặng thầm cho quê hương, đất nước. Ông âm thầm chịu đựng mọi tiếng xấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đánh đổi danh dự và hạnh phúc cá nhân cho thành công của cách mạng. Năm 2000, Vũ Bằng được xác nhận là chiến sĩ quân báo; năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Âu đó cũng là sự an ủi phần nào đối với những năm tháng dài tủi hận của nhà văn lúc sinh thời.

Đọc Vũ Bằng, không khó để nhận ra những trang văn tài hoa, nồng nàn cảm xúc. Đặc biệt, đằng sau những trang viết ấy là nỗi nhớ thương dằng dặc trong mấy chục năm trời tại miền Nam nhà văn gửi về cố hương đất Bắc. Ở đó, từng cảnh vật thiên nhiên, từng nét văn hóa ẩm thực đặc trưng, từng vẻ đẹp tính cách con người xứ Bắc đều được Vũ Bằng miêu tả bằng tất cả tấm lòng thương nhớ, yêu quý, nâng niu. Cố hương hiện lên trong những trang văn Vũ Bằng với tất cả những vẻ đẹp lung linh nhất. Trong “Miếng ngon Hà Nội”, Vũ Bằng nâng những đặc sản của đất Hà thành từ cái ăn lên phạm trù cái đẹp mà ở đó, từng món ăn đều mang trong mình những tinh hoa văn hóa của xứ kinh kỳ cùng nỗi nhớ da diết mà nhà văn gửi gắm. Đặc biệt, với “Thương nhớ mười hai”, quê hương đất Bắc được khắc họa thành một trong những hình tượng quê hương xứ sở đẹp nhất trong văn học Việt Nam. Ngoài phần Tự ngôn đầu sách và phần cuối viết về ngày tết, tác phẩm được kết cấu thành 12 phần, viết về mười hai tháng với những đặc trưng của đất và người Bắc Bộ: trăng non rét ngọt, hoa đào, rét nàng Bân, nhãn Hưng Yên, ngày rằm xá tội vong nhân, mùa thu xứ Bắc, gạo mới chim ngói, gió bấc mưa phùn,… Thông qua hình thức tâm tình cùng vợ, nhà văn gửi vào đó biết bao nỗi nhớ quê nhà. “Thương nhớ mười hai” xứng đáng được xem là kiệt tác của thể loại tùy bút, một trong những tác phẩm viết về quê hương, đất nước hay nhất của văn học Việt Nam.

Nặng lòng với quê hương, trong hoàn cảnh cách xa biền biệt, Vũ Bằng chỉ còn biết gửi tấm lòng quê vào tiếng nói dân tộc đậm phương ngữ Bắc Bộ. Ông nâng niu từng vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ, trân trọng những “đặc sản” của lời quê. Khác với Nguyễn Thi khi vào Nam chịu ảnh hưởng rất lớn của phương ngữ Nam Bộ, 30 năm ở Sài Gòn, Vũ Bằng vẫn giữ nguyên vẹn chất Bắc trong sáng tác. Tác phẩm của ông, nhất là với “Thương nhớ mười hai”, “Miếng ngon Hà Nội”, “Bốn mươi năm nói láo”, bên cạnh những trang văn tài hoa, giàu chất thơ và nhạc, còn là những trang viết đậm phong cách phương ngữ xứ Bắc. Điều này nói lên phần nào tấm lòng quê lúc nào cũng đau đáu ở con người trọn đời nặng nợ tình quê này.

Đúng như nhà văn Triệu Xuân nhận xét: “Cả cuộc đời say mê văn chương, cả một đời yêu nước thương nòi, vậy mà Vũ Bằng phải chịu quá nhiều oan ức, khổ đau! Thương thay một kẻ lữ hành suốt đời đơn côi ngay trên đất nước quê hương mình”, nghĩ về Vũ Bằng ta không khỏi thương cảm, xót xa. Ngày nay, khi những đám mây mờ đã được làm sáng tỏ, Vũ Bằng được trả lại địa vị của mình nhưng trên hết, độc giả đã nhận ra Vũ Bằng, qua cuộc đời cũng như những trang văn ông viết, một nhân cách cao đẹp, một con người trọn đời nặng lòng với đất nước quê hương.

Nguyễn Thụy Đồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.