Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo món canh lá đắng

09:38, 01/03/2020

Lá cây lá đắng có hình dáng như lá sắn, thuộc họ ngũ gia bì, còn được gọi là lá chân chim, có nơi gọi là lá mật vịt.

Cây lá đắng xanh tốt quanh năm, nhưng phát triển mạnh nhất trong mùa mưa. Cây thường mọc dại ở các tỉnh vùng núi phía bắc. Bây giờ cây lá đắng được bà con ở các buôn làng trên địa bàn Đắk Lắk trồng trong vườn, trên rẫy, là món ăn được nhiều gia đình ưa chuộng.

Theo bà Quách Thị Hoa (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng), canh lá đắng là món ăn đặc biệt trong các ngày lễ, tết của người Mường ở vùng núi phía bắc. Với đàn ông, canh lá đắng còn là thứ thuốc nam có tác dụng giải rượu rất tốt. Bởi vậy khi mâm cỗ ngập tràn các món thịt, cá bổ béo thì không thể thiếu bát canh lá đắng.

Canh lá đắng nấu với thịt bò.
Canh lá đắng nấu với thịt bò.

Tùy từng địa phương, canh lá đắng có thể nấu theo nhiều cách khác nhau. Người Mường thường nấu canh cùng lòng heo, gà, thịt gà trong khi người miền xuôi, người Kinh thì lại chế biến nhiều kiểu như nấu với thịt heo, cá, hoặc nấu với thịt bò kết hợp nhiều nguyên liệu với nhau. Điểm chung trong cách nấu canh lá đắng là không thể thiếu sả và mẻ. Vị của sả giúp canh thơm nồng, mẻ chua lạ làm dịu bớt vị đắng và canh ngon hơn. Khi nồi canh sôi lên thì cho lá đắng đã thái chỉ vào (lá đắng là nguyên liệu được cho vào sau cùng) chờ cho sôi lại chừng 3 phút thì bắc ra thưởng thức ngay khi còn nóng. Canh lá đắng nấu sao cho bát canh sền sệt nước mới đạt tiêu chuẩn. Khi bắc xuống, mùi thơm của sả, vị béo đậm đà của nước dùng vị ngọt bùi ngầy ngậy của thịt cùng các loại gia vị đi kèm, dậy mùi đặc trưng của lá đắng khiến ai cũng muốn thưởng thức.

Những người mới nếm lần đầu sẽ thấy vị đắng ngắt thấm sâu vào đầu lưỡi. Nhiều người còn rùng mình, nhắm mắt khi ăn vì chưa từng ăn món nào đắng đến thế. Nhưng vị đắng gắt tê tê ấy sẽ qua rất nhanh, thay vào đó là vị chan chát, ngòn ngọt. Một khi đã quen thì lâu lâu lại muốn thưởng thức món ăn đẫm chất lá rừng có vị đắng, chan chát và ngọt hậu, ai đã từng ăn thì không thể nào quên được mùi vị này.

Dạ Yến Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.