Multimedia Đọc Báo in

Cơm rượu - món ngon trong ngày Tết Đoan ngọ

09:17, 26/06/2020

Ngày Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), một trong những món ăn đặc trưng không thể thiếu của người Việt đó là cơm rượu.

Đến hẹn lại lên, cứ gần đến ngày Tết Đoan ngọ hằng năm, gia đình ông Phan Phú Minh và bà Nguyễn Thị Huyên (đường Nguyễn Du, TP. Buôn Ma Thuột) lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu để làm cơm rượu. Mỗi đợt Tết gia đình ông Minh dùng hơn 2 tạ gạo nếp gồm: nếp cái hoa vàng và nếp cẩm để ủ cơm rượu.

Ông Minh cho biết: Theo quan niệm của ông bà ta, cơm rượu nếp là món ăn có tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng trong đường tiêu hóa nên đây được xem là món ăn đúng với tinh thần ngày Tết “diệt sâu bọ”. Bởi vậy, nên đã hơn 30 năm qua ông vẫn gắn bó với nghề làm cơm rượu, mặc dù so với các ngành nghề khác thì lợi nhuận không cao bằng.

Gia đình ông Minh bày bán cơm rượu dịp Tết Đoan ngọ.
Gia đình ông Minh bày bán cơm rượu dịp Tết Đoan ngọ.

Ông Minh chia sẻ bí quyết: “Muốn ủ cơm rượu cho ngon ngoài sự khéo léo còn phải để tâm vào. Muốn làm một mẻ cơm rượu ngon phải bắt đầu từ việc chọn nếp và men. Nếp phải là loại rặt (không lộn hạt gạo tẻ nào). Men để ủ rượu phải là loại men ngon (khô và thơm) cà nhuyễn, trộn đều vào mâm xôi. Cơm rượu sau khi vò xong, để vào sọt tre hoặc nhựa đã lót sẵn lá chuối, rồi đậy nhiều lớp lá cho thật kín, để qua 3 đêm là có thể ăn được. Cơm rượu thành phẩm có màu trắng đục (đối với gạo nếp cái hoa vàng), nước cơm rượu trong, có vị ngọt thanh, thơm nồng. Đặc biệt, trong quá trình làm cơm rượu, mỗi khâu đều phải chú ý giữ vệ sinh thật sạch sẽ, có vậy thì cơm rượu thành phẩm mới thơm ngon”.

Món cơm rượu của ông Minh được nhiều người yêu thích bởi vị ngọt thanh, nồng ấm. Những hạt nếp rặt được lên men đúng quy trình đạt độ mềm xốp tan trên đầu lưỡi. Chị Phạm Thị Thư (đường Ama Khê, TP. Buôn Ma Thuột), khách quen món cơm rượu ông Minh cho hay: Cơm rượu của ông Minh có chút cay của rượu, cái ngọt của nếp rất hài hòa, dễ chịu. Cả nhà tôi ai cũng thích món này, nên Tết Đoan ngọ năm nào tôi cũng đến đặt mua mấy chục hộp để làm quà biếu nội ngoại và cho gia đình dùng.

Ngày nay, nhiều gia đình người Việt vẫn giữ thói quen ăn cơm rượu trong ngày Tết Đoan ngọ. Khi cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, Tết Đoan ngọ không chỉ mang ý nghĩa là ngày "diệt sâu bọ" mà còn tôn vinh nét đẹp của ẩm thực thông qua các món ăn truyền thống như cơm rượu, bánh tro, bánh ú, chè trôi nước… cho ngày sum họp gia đình thêm đầm ấm.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.