Multimedia Đọc Báo in

Tây Nguyên - một vùng sử thi "sống"

16:05, 29/07/2014

Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ngành chức năng triển khai từ những năm 2007-2010 là niềm vui, hạnh phúc đối với các dân tộc bản địa.

Và giờ đây, ngành văn hóa các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đang xúc tiến hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để trình Bộ VH-TT-DL thẩm định nhằm tiến tới đề nghị UNESCO công nhận sử thi Tây Nguyên là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại càng khiến niềm vui ấy được nhân đôi…

Sử thi “sống”

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước cho rằng: để được UNESCO công nhận sử thi Tây Nguyên là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại thì chúng ta phải có trách nhiệm chỉ ra cho mọi người thấy đâu là nét văn hóa độc đáo, đặc trưng và khác biệt của vùng sử thi này so với các dòng sử thi khác trên thế giới. Ở góc độ này, GS-TS Ngô Đức Thịnh (Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam) cho rằng: cùng với (hát kể) Khan của người Êđê, H’ri của người Jrai và H’mon của người Bana...thì việc phát hiện thêm Ot N’rông (sử thi) của người M’nông đã cho phép giới nghiên cứu văn hóa dân gian đi đến kết luận: Có một vùng sử thi vô cùng dày đặc, độc đáo và đặc trưng ở Tây Nguyên. Sự độc đáo và đặc trưng của vùng sử thi ở đây là sử thi đang “sống” trong đời sống sinh hoạt văn hóa hằng ngày của các cộng đồng dân tộc bản địa. Sử thi Tây Nguyên là “sử thi sống” và tất nhiên nó khác với “sử thi chết” của một số dân tộc trên thế giới, tức là chỉ tồn tại trên văn bản mà thôi. Chẳng hạn như Ôđixê-Iliat của Hy Lạp, Ramayana của Ấn Độ hay Kalêvala của Phần Lan... GS-TS Ngô Đức Thịnh cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín khác như GS-TS Nguyễn Chí Bền, Tô Ngọc Thanh đặt câu hỏi: để gọi Tây Nguyên là một vùng “sử thi sống” thì cần dựa trên cơ sở nào để phân tích, chứng minh. Đây là là vấn đề cốt lõi khi đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa này. 

Hát kể sử thi của người Jarai thường kèm theo nhạc cụ hỗ trợ như một hoạt động nghệ thuật của cộng đồng.
Hát kể sử thi của người Jarai thường kèm theo nhạc cụ hỗ trợ như một hoạt động nghệ thuật của cộng đồng.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa thì trước hết về mặt số lượng sử thi sưu tầm và giới thiệu được trong thời gian qua trên địa bàn các tỉnh Dak Lak, Dak Nông, Gia Lai, Kon Tum… lên tới con số hàng trăm tác phẩm đã khẳng định: Tây Nguyên là một vùng sử thi đúng nghĩa, sử thi ở đây là một loại hình văn nghệ dân gian thuộc về tài sản chung của một vùng, một khu vực chứ không riêng gì một dân tộc, hay một nhóm người nào đó. Hơn nữa, sử thi Tây Nguyên không chỉ mang đặc trưng, nét văn hóa độc đáo và duy nhất của một vùng văn hóa, mà còn thể hiện tính thống nhất nội tại của nó qua nhiều giá trị tiêu biểu khác như âm nhạc cồng chiêng, kiến trúc, mỹ thuật cũng như luật tục, tập quán và tín ngưỡng dân gian... Tính thống nhất ấy của sử thi Tây Nguyên cũng được soi rọi, xác lập dưới góc nhìn và phân loại sử thi trong cùng một vùng văn hóa đa dạng, độc đáo nhưng tương đồng và gần gũi. Có người cho rằng sử thi ở đây thuộc thể loại thần thoại, ý kiến khác lại bảo đó là sử thi sáng thế (nói về sự sáng tạo thế giới) và sử thi thiết chế xã hội. Tuy nhiên, dù có phân loại kiểu nào đi nữa thì sử thi của các dân tộc ở Tây Nguyên đều bao gồm hầu hết các loại sử thi cổ sơ. Hiện tại, chưa có sự phân loại rạch ròi tất cả những sử thi đã phát hiện được, nhưng có thể thấy rằng Ot N’rông của người M’nông là một điển hình của sử thi huyền thoại (hay sử thi sáng thế) và Khan Đam San của người Êđê là điển hình của sử thi anh hùng (hay sử thi thiết chế xã hội). Như vậy, qua đó có thể khẳng định ở Tây Nguyên loại sử thi cổ sơ là đặc trưng nổi trội của các dân tộc ở giai đoạn lịch sử tiền giai cấp Nhà nước - và đây cũng là biểu hiện sự thống nhất về mặt thể loại của vùng sử thi Tây Nguyên. Sự thống nhất ấy còn được kể tới và đề cập đến các yếu tố khác như không gian sống, hoạt động sản xuất nương rẫy, cơ cấu và quan hệ xã hội mang tính cộng đồng sâu nặng của các dân tộc bản địa. Cuối cùng, gọi sử thi Tây Nguyên là “sử thi sống”, thì hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trực tiếp tham gia Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” đều có chung nhìn nhận: sử thi Tây Nguyên còn được lưu truyền, trình diễn phổ biến rộng rãi trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Vùng sử thi này cũng trùng khớp với tổng thể của vùng văn hóa Tây Nguyên nói chung. Vì thế, từ sử thi cho phép chúng ta hiểu rõ, hiểu sâu sắc hơn về nền văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Để dòng sử thi không đứt gãy

Hiện tại sử thi Tây Nguyên đang được các nghệ nhân lớn tuổi nắm giữ. Và cũng chính vì thế nhiều nghệ nhân lo lắng, đến một lúc nào đó họ trở về với “thế giới ông bà” mà chưa tìm được ai kế thừa thì coi như di sản văn hóa quý báu này khó tránh được sự đứt gãy… Do tính cấp thiết ấy, nên Chính phủ đã phê duyệt, triển khai dự án trên từ năm 2007. Đến nay đã có hơn 30 sử thi của các tộc người ở Tây Nguyên được sưu tầm, biên dịch và xuất bản. Những tác phẩm sử thi đồ sộ có độ dài cả nghìn trang được đưa về buôn làng để phổ biến, học tập. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế gần 4 năm qua (từ năm 2010-2014), hầu hết sử thi được biên dịch và xuất bản này vẫn nằm trong các thư viện, chứ chưa nhận được sự cộng hưởng của đông đảo người đọc, nhất là giới trẻ người dân tộc bản địa.

Nghệ nhân người M’nông ở xã Trường Xuân - huyện Dak Song - Dak Nông  đang Ot N’rông cho con cháu mình nghe.
Nghệ nhân người M’nông ở xã Trường Xuân - huyện Dak Song - Dak Nông đang kể Ot N’rông cho con cháu mình nghe.

Vì sao như vậy? Một cuộc khảo sát mới đây của ngành văn hóa Dak Lak và Dak Nông về việc truyền dạy hát kể sử thi theo sách đã xuất bản cho thấy: độc giả tỏ ra không mặn mà lắm, họ chỉ thích nghe kể hát sử thi từ những nghệ nhân đã thành danh. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi sử thi vốn là tổng thể nguyên hợp các giá trị văn hóa hàm chứa trong đó - và hát kể (được xem như hoạt động nghệ thuật âm nhạc, vũ điệu) được nghệ nhân (diễn viên) thể hiện như một kỹ năng và tài năng bẩm sinh nên tạo được sự thu hút đối với người thưởng thức. Còn thuộc lòng (rất ít) sử thi qua sách mà thiếu những yếu tố nghệ thuật trên thì đương nhiên sức sống của nó bị hạn chế. Từ thực tế đó cho thấy vai trò của nghệ nhân vẫn là số một vì chỉ thông qua họ, sử thi Tây Nguyên mới thật sự “sống”! Nghệ nhân người M’nông - Điểu K’lứt (hiện sống ở Buôn Đôn) và Y Bhin (Ea Tul-Cư M’gar) tâm sự: Hát kể được sử thi phải có năng khiếu, trong một vùng chỉ có vài người; và người đó phải được “chân truyền” từ những nghệ nhân đi trước. Bí quyết “chân truyền” ấy, cứ thế nối dài và tiếp tục từ đời này sang đời khác, chứ không ai trở thành nghệ nhân hát kể sử thi qua sách vở cả. Việc sưu tầm, biên dịch và xuất bản các sử thi Tây Nguyên theo dự án của Chính phủ mà bản thân họ có tham gia chỉ có ý nghĩa khi môi trường (không gian) diễn xướng bị thu hẹp, thậm chí không còn… Bởi thay vì có một nơi chốn nào đó, những ai yêu thích, say mê sử thi đến nghe nghệ nhân hát kể rồi nhập tâm, sau đó có thể kế thừa được, thì việc học thuộc sử thi qua sách xuất bản sẽ khắc phục được vấn đề thời gian, sự đi lại… trong bối cảnh hoạt động sản xuất và quan hệ cộng đồng đã có nhiều thay đổi như hiện nay. Có điều, nói như nghệ nhân Điểu K’lứt: nhất thiết phải có thiết chế văn hóa phù hợp cho các cộng đồng dân tộc được thụ hưởng Đề án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” của Thủ tướng Chính phủ. Tức là khi tác phẩm (sách) sử thi được đưa về buôn làng thì phải tìm cách đưa nó đến với người đọc, hay nói cách khác là biến nó trở thành nếp thực hành văn hóa thường xuyên và có mục đích rõ ràng. GS-TS Phan Đăng Nhật (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) gợi mở: Nên đưa các sử thi đã biên dịch và xuất bản được vào dạy trong trường học, hoặc chuyển hình thức nghệ thuật sử thi sang loại hình văn hóa - văn nghệ khác: nghe, nhìn và hơn thế là nỗ lực “xã hội hóa” di sản này bằng cách hát kể thường nhật trong mọi sinh hoạt của đời sống - từ trong nhà đến hoạt động sản xuất trên nương rẫy, cũng như vào dịp hội hè…

Có thể nói đó cũng là vấn đề mà ngành văn hóa ở các tỉnh Tây Nguyên phải nghiêm túc nghiên cứu, bàn thảo và lưu tâm để tìm cách tiếp sức cho sử thi ở đây sống được trong đời sống đương đại, trở thành vốn văn hóa quý báu thật sự và có ý nghĩa vượt trội so với các dòng sử thi khác trên thế giới để hướng tới việc đề nghị UNESCO công nhận đó là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại trong tương lai không xa.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.