Multimedia Đọc Báo in

Quả bầu khô và khúc biến tấu mới

16:59, 04/07/2014
Từ lâu, quả bầu khô đã gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Việc tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc sống được coi như một nét văn hóa đặc trưng của các tộc người bản địa, trong đó quả bầu khô là một thực hành văn hóa và sinh kế hết sức sinh động.
Chuông gió làm từ quả bầu khô bày bán ở cửa hàng mỹ nghệ Nghĩa Hưng.
Chuông gió làm từ quả bầu khô bày bán ở cửa hàng mỹ nghệ Nghĩa Hưng.

Theo ông Y Dhêc Kbuôr – Trưởng buôn Akô Dhông (Phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) quả bầu khô có mặt trong đời sống sinh hoạt của hầu hết các gia đình người Êđê. Ở góc bếp luôn có vỏ quả bầu khô to đựng nước sinh hoạt hằng ngày, vỏ bầu khô nhỏ đựng nước hoặc cháo mỗi khi đi làm nương rẫy xa. Quả bầu khô cũng được cắt đôi để làm gáo múc nước, làm muôi múc canh, múc rượu và thành cả những chiếc phễu xinh xắn. Thậm chí những quả bầu khô bị thủng, vỡ vẫn được tận dụng triệt để, làm đầu người nộm để đuổi chim trên các cánh đồng, làm chuông gió cho các bé trai, làm nồi giả trong các trò chơi nấu ăn cho các bé gái. Đặc biệt, quả bầu khô cùng với tre, nứa được các nghệ nhân người dân tộc bản địa chế tác thành những nhạc cụ độc đáo, làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng của người Tây Nguyên. Nghệ nhân người Êđê Ama Loan (ở buôn Akô Dhông) đã làm ra rất nhiều loại kèn từ quả bầu khô như đinh năm, đinh tặc tà, kupuốt, brố… Ông cho biết, để làm nên những chiếc kèn trên không quá khó, nhưng đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Chẳng hạn, để làm một chiếc kèn đinh tặc tà thì quả bầu khi hái về phải được phơi nắng trong 6 tháng, hơ trên bếp lửa 1 năm để có màu đen tự nhiên. Sau đó khoét 3 lỗ trên miệng và thân quả bầu, rồi đút những thanh tre vào, dùng sáp ong dán kín lại để khi thổi vào lưỡi gà (làm bằng nan tre được gắn chặt vào miệng quả bầu) thì thoát ra thanh âm trầm bổng khác nhau. Vì đã thạo nghề nên các nhạc cụ được ông làm rất nhanh, mỗi ngày có thể chế tác được vài ba chiếc kèn. Những chiếc kèn làm từ quả bầu được nhiều người yêu thích đặt mua vì nó không những để thổi mà còn có thể trang trí trong nhà. Giá các loại nhạc cụ ấy khá cao: kèn đinh năm 800.000 – 1.000.000 đồng/chiếc, đinh tặc tà và brố 250.000 đồng/chiếc. Ông tâm sự: “Từ quả bầu khô mà các dân tộc ở Tây Nguyên đã hình thành nên vốn văn hóa đặc sắc. Tôi muốn truyền dạy cho thế hệ trẻ lưu giữ, kế thừa và phát huy để giá trị văn hóa quả bầu khô không mất đi trong cuộc sống hiện đại ngày nay”.

Cùng với tre, nứa, quả bầu khô đang được nghệ nhân Ama Loan chế tác thành chiếc kèn đinh tặc tà
Cùng với tre, nứa, quả bầu khô đang được nghệ nhân Ama Loan chế tác thành chiếc kèn đinh tặc tà.

Hiện nay, các dân tộc bản địa trồng bầu không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt mà còn đưa vào sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Các buôn ở xã Cư Êbur, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), xã Cư Pơng (huyện Krông Buk), xã Ea Hồ (huyện Krông Năng)…người dân trồng bầu với số lượng lớn và bán cho những nghệ nhân chế tác nhạc cụ, các cửa hàng thủ công mỹ nghệ. Một người dân ở xã Ea Tu chia sẻ: “Thời gian gần đây, quả bầu khô rất được các cửa hàng kinh doanh mỹ nghệ ưa chuộng nên gia đình tôi cũng trồng một vườn bầu để bán, sau 6 tháng thì thu hoạch, quả xấu để ăn, quả đẹp bán cho các mối quen được khoảng 400 quả, giá 15.000 đồng/quả”; đời sống kinh tế của gia đình anh nhờ thế cũng bớt chật vật hơn. Còn chị Mùi Thị Phương Thy, chủ Cửa hàng mỹ nghệ Nghĩa Hưng (đường Phan Bội Châu) nói: “Những đồ chế tác từ quả bầu khô được nhiều du khách chọn mua làm kỷ niệm khi đến Dak Lak, cứ 3 tuần cửa hàng tôi lại nhập hàng một lần, mỗi lần 100 – 200 quả ”. Theo chị Thy, quả bầu khô chế tác được rất nhiều đồ mỹ nghệ như chuông gió, đèn ngủ, đồ trang trí quán cà phê, làm đồ phong thủy… Vì theo nhiều người quan niệm, quả bầu là biểu tượng của sức mạnh, trường thọ và phát triển, có tác dụng hóa giải những khí xấu, mang lại may mắn. Anh Nguyễn Văn Tuấn, một du khách đến từ Nghệ An cho biết: “Tôi rất thích thú với những mặt hàng mỹ nghệ của Tây Nguyên, đặc biệt là những chiếc chuông gió được làm từ quả bầu, nhìn nó khá độc đáo có thể dùng để trang trí trong nhà rất đẹp, nhìn vào cảm thấy bình dị, gần gũi”.

Trước sự phát triển của những vật dụng bằng nhựa hay sứ, quả bầu khô vẫn tìm cho mình một hướng đi riêng để không bị biến mất, thậm chí nó còn được biến tấu đa dạng và phong phú dưới bàn tay của các nghệ nhân để trở thành nét văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.