Multimedia Đọc Báo in

Y Nhi Ksor với sắc màu Tây Nguyên

21:01, 18/07/2014

Gam màu tươi sáng, đường nét khỏe khoắn và khoáng đạt… là những ấn tượng đọng lại trong bất kỳ ai sau khi xem tranh của họa sĩ  Y Nhi Ksor. Để có được ấn tượng đó, chàng họa sĩ tài hoa người dân tộc Êđê này đã được nuôi dưỡng và lớn lên trong mạch nguồn văn hóa sâu thẳm của dân tộc mình.

“Tác phẩm” đầu đời

Sinh ra trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc (1960), mới lên 5 tuổi Y Nhi Ksor phải rời buôn Sek (xã Ea H’leo) để cùng gia đình sang sinh sống trong khu gia binh của Mỹ-ngụy tại thị xã Plei Ku lúc bấy giờ. Ký ức mang theo trong trái tim bé bỏng kia là những cánh rừng, khe suối và đặc biệt là màu đất đỏ của quê nhà. Sống ngột ngạt trong khu gia binh như thế, cứ tưởng những ký ức trong trẻo, đẹp đẽ và tươi rói ấy sẽ rời xa cậu bé. Nhưng không, hễ cứ bắt gặp ở đâu đó những hình ảnh gợi nhớ đến quê nhà là trái tim Y Nhi rung động. Y Nhi tự bạch: Một hôm được nghỉ học, đi rong chơi một mình thì bất chợt gặp cơn mưa rào đổ xuống. Sau cơn mưa, cậu phát hiện có một mảng đất đỏ mịn màng và ẩm ướt được tạo ra phía dưới chân đồi nhờ dòng nước mang theo vô số hạt phù sa bồi lại. Mảng đất đẹp mê hồn và nó thôi thúc Y Nhi vẽ lên đó những gì mình thích. Thế là lấy một đoạn trúc làm bút, “họa sĩ nhí” Y Nhi Ksor đã tung hứng lên mảng phù sa ấy vô số hình ảnh đã ấp ủ từ lâu: chim chóc, cây cỏ, núi rừng và cả những khuôn mặt thân quen, gần gũi nhất của mình. Sau này Y Nhi bảo đó là “tác phẩm” đầu tiên trong đời và mảng đất đỏ được bồi lắng từ những hạt phù sa của quê hương là “toan vải” được trời ban tặng cho họa sĩ tài hoa này.

Họa sĩ  Y Nhi Ksor với tác phẩm “Bốn mùa”.
Họa sĩ Y Nhi Ksor với tác phẩm “Bốn mùa”.

Chiến tranh đi qua, năm 1975 gia đình Y Nhi Ksor lại trở về sinh sống ở quê nhà. Trong không gian thanh bình ấy, anh đã có nhiều cơ hội được đắm mình trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Những lễ hội được mở ra, lời kể khan của cha anh cùng nhiều người khác trong buôn được cất lên, nối dài từ con trăng này đến con trăng khác đã bồi đắp tâm hồn anh lớn lên và đầy đặn thêm để thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Y Nhi Ksor thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Huế. Hơn bảy năm theo học ở môi trường nghệ thuật khá danh tiếng này, chàng sinh viên khoa hội họa người Êđê duy nhất ấy đã miệt mài tích lũy kiến thức để chờ ngày khẳng định tài năng và phong cách rất riêng của mình. Cuối năm 1981, anh ra trường và từ đó đến những năm 1998-2002, họa sỹ Y Nhi Ksor đã cho ra mắt những tác phẩm đầu tay: “Mùa gieo hạt”, “Hội làng”, “Rượu mừng” và “Đi dự hội”... được giới hội họa đương đại chú ý và đánh giá cao. Y Nhi vẽ không nhiều, nhưng tranh của anh được nhiều người yêu thích, nhất là tranh sơn dầu nhờ tính cách mạnh mẽ và gân guốc của nó. Trong giai đoạn sáng tạo này, phải kể đến tác phẩm “Đi dự hội” được anh dày công hoàn thành trong năm 2000 và đó cũng là “cột mốc” đáng nhớ đưa Y Nhi Ksor bước vào hàng ngũ hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Thành Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, tác phẩm

“Đi dự hội” của Y Nhi Ksor xứng đáng giành một vị trí trang trọng trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và được xem như kiểu mẫu để những ai yêu hội họa lấy đó làm thực hành cho sự đam mê nghệ thuật của mình. Và đó cũng là lý do để cắt nghĩa vì sao tác phẩm “Đi dự hội” của anh được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại và Nhà xuất bản Giáo dục tuyển chọn in vào sách thực hành Mỹ thuật cho học sinh lớp 9 hiện nay.

Thắp lửa đam mê 

Từ năm 2005 dến nay, dù bận rộn với công tác quản lý và giảng dạy tại khoa Mỹ thuật - Trường Cao đẳng Văn hóa Dak Lak, nhưng Y Nhi Ksor vẫn đam mê sáng tạo. Và đều đặn hàng năm, người họa sĩ tự cho là “quá bận rộn” này cũng trình làng 1-2 tác phẩm: “Tra hạt”, “Lễ trao vòng”, “Hội xoang Aráp”, “Múa hội”, “Bình minh trên buôn” rồi gần đây là “Bốn mùa”… Tất cả những tác phẩm trên của Y Nhi đều mang phong cách rất riêng, từ bố cục mảng miếng, đến phối trộn sắc màu. Phong cách ấy – theo anh cho biết - là bắt đầu từ ký ức thương nhớ quê nhà, bởi vậy khi căng toan lên giá vẽ, màu đất đỏ lại ùa về; và đó cũng chính là gam màu chủ đạo trong tranh của Y Nhi Ksor. Từ gam màu ấy, anh đã tung hứng mọi cảm xúc của mình như cơ duyên buổi đầu của cậu bé yêu hội họa và đã được trời ban cho mảng đất đỏ mịn màng dưới chân đồi năm nào. Có điều khác là bây giờ Y Nhi không vẽ lên đó những gì đã nhìn thấy, mà người họa sĩ đích thực này đã biết tạo ra sự giằng xé cuộc đời, nhân sinh bằng những lát cắt khác nhau mà mình đã chiêm nghiệm được - những lát cắt ấy có khi được miết trơn óng ả, có khi xù xì, thô ráp…nhưng tất cả đều mang khuôn mặt biết ơn và dự báo về cuộc sống miên viễn này.

“Bình minh  trên buôn” - tác phẩm đoạt  giải A của Hội Mỹ Thuật Việt Nam.
“Bình minh trên buôn” - tác phẩm đoạt giải A của Hội Mỹ Thuật Việt Nam.

Cũng chính những phẩm chất được định hình và được thừa nhận đó mà trong năm 20013 vừa qua, Y Nhi Ksor được họa sĩ Lương Xuân Đoàn tin tưởng đặt anh vẽ 3 bức sơn dầu để tham gia triển lãm nghệ thuật tại thành phố Kuhmo - nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam-Phần Lan. Anh tâm sự: đây là niềm vinh dự lớn lao cho bản thân và cho những người làm nghệ thuật trên cả nước. Bởi cuộc triển lãm nghệ thuật này, giới hội họa Việt Nam chỉ được góp mặt 8 họa sĩ, nên ai cũng nỗ lực và háo hức. Nói đến đất nước Phần Lan, Y Nhi nghĩ ngay đến sử thi Kalêvala và anh đã bỏ ra cả tháng trời để đọc và nghiền ngẫm sử thi này để phác họa ý tưởng sáng tác. Anh thấy có một điều rất trùng hợp rằng trong sử thi Kalêvala có nét tương đồng với sử thi Tây Nguyên như tiếng đàn Kantele của tráng sĩ Vanêmuênên khiến Y Nhi liên tưởng đến tiếng chiêng của chàng tù trưởng Đam San trong sử thi “Đam San:: “Chàng Đam San gọi: Ơ các con! Đứa nào dọn rượu thì đi dọn, đứa nào treo chiêng thì đi treo chiêng… Hãy đánh những cái chiêng kêu thanh nhất, những chiếc kêu trầm nhất. Đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ, vượt qua mái nhà vọng lên trời. Đánh cho ma quỷ mải mê quên làm hại con người. Đánh cho chuột, sóc quên đào hang, cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai đứng quên ăn cỏ… cho tất cả chỉ còn lắng nghe tiếng chiêng của Đam San”. Và hơn thế, như Y Nhi nhận ra sử thi của hai dân tộc Việt Nam - Phần Lan đều thể hiện niềm mơ ước, sự khát khao vươn tới Chân-Thiện-Mỹ, trong đó cá nhân từng con người là sự trải nghiệm sinh động nhất về các giá trị ấy. Vì vậy trong 3 tác phẩm mà Y Nhi đã thể hiện và gửi đi tham dự triển lãm đều lấy cảm hứng từ sử thi (Kalêvala - Đam San) để sáng tạo, gửi gắm tình cảm và tư tưởng của mình.

Trong 3 tác phẩm gửi đi tham gia triển lãm mỹ thuật tại Phần Lan, Y Nhi Ksor tâm đắc nhất là bức “Giành lại Xampô”. Ở đó, khuôn mặt của tráng sĩ Vanêmuênên hiện lên không khác gì chàng tù trưởng dũng cảm Đam San đấu tranh cho chính nghĩa, đẩy lùi cái ác và giành lại hạnh phúc cho cộng đồng, dân tộc của mình. Mọi sắc thái tình cảm của tác phẩm được Y Nhi Ksor thể hiện sinh động, chân thực bằng gam màu đất đỏ quen thuộc của quê hương, khiến người xem không khỏi bị cuốn hút, mê hoặc. Tác phẩm “Giành lại Xam pô” được đánh giá cao tại cuộc triển lãm và họa sĩ Y Nhi Ksor hy vọng rằng, có một dịp nào đó tất cả những tác phẩm tham gia triển lãm trên sẽ được Quỹ Phát triển Văn hóa-Bộ Ngoại giao Phần Lan (JUMINKEKO) đưa về Tây Nguyên để những người yêu thích sử thi giữa hai dân tộc có cơ hội thưởng lãm, giao lưu và thêm hiểu biết về nhau.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.