Multimedia Đọc Báo in

Người bảo vệ

09:43, 21/06/2013

“Giã từ vũ khí”, chú út tôi tìm ngay việc làm mới. Ba con của chú xúm vào ngăn: “Ba nghỉ cho khỏe”; nhưng chú không chịu: “Còn sức mà cứ ăn chơi, chờ chết, chịu sao thấu!?”. Các con chú bàn lùi theo kiểu “nêu gương”- ông kia về hưu chỉ lấy câu cá làm vui; ông nọ suốt ngày khề khà bên ấm trà với bàn cờ tướng, vậy mà hay. Thấy chú im, biết là không xê dịch ý định, mấy con chú trách: “Ba ham quá!”. “Ham gì?”- chú độp lại như súng bắn tắc cú khiến cả đám trố mắt, rồi hạ giọng: “Bây nói đúng nhưng hiểu sai rồi. Ba ham là ham lao động chứ không ham tiền bạc như bây nghĩ đâu”. Không bó tay, các con chú chuyển hướng nhằm tiếp tục “bao vây” ý định của ba: “Bao năm ba làm chỉ huy, giờ hạ cấp làm lính, coi sao được!?”. Chú cười mỉm, nhăn mặt chun mũi, ý chừng không “ngửi” được luận điệu ấy rồi lẳng lặng bỏ đi.

Việc làm mới của chú là nhân viên bảo vệ một công ty xây dựng. Chú bảo, người già ít ngủ nên hợp với việc này. Tôi lo xa: “Chú cẩn thận, coi chừng kẻ gian xỉa một nhát là mệt đó”. Chú cười: “Giỡn với lính trinh sát, đâu được!”. Theo lịch, chú đi làm một ngày, nghỉ một ngày; những khi ốm mệt, chú cũng ráng; trường hợp bất đắc dĩ, chú nhờ đồng nghiệp trực thay, sau bù lại. Vài lần ghé thăm chú ở nơi làm, tôi thấy chú lạ và nghiêm đến bất ngờ trong trang phục dành cho người bảo vệ. Biết chú ham đọc, tôi mua mấy tờ báo cầm theo nhưng  chú từ chối vì “đang làm mà xem sách báo, không nghiêm túc”. Cũng với lý do ấy mà phòng làm việc kết hợp ngủ nghỉ của chú không có ti vi hay radio. Ngoài trực ở văn phòng, chú còn đi bảo vệ các công trình xây dựng mà công ty thắng thầu. Những lúc ấy chú chuẩn bị cả tăng võng, đèn pin; cũng dầm mưa dãi nắng hệt như người lính hành quân dã ngoại. Thấy chú vui với việc mới, con cháu cũng mừng, không ngăn nữa. Riêng tôi, không thể yên lòng khi nhìn lối đối xử của tay giám đốc công ty dành cho chú.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Giám đốc công ty còn khá trẻ, chỉ đáng tuổi con của chú. Vẻ mặt đăm đăm cùng giọng kẻ cả của anh ta khiến tôi không cảm tình, dù chỉ thoáng gặp. Tôi càng bực khi thấy anh ta thể hiện quyền uy với chú của mình. Anh ta nhắc chú: mỗi sáng phải tắt đèn bảo vệ sớm hơn; không được để công nhân chễm chệ ngồi trên xe qua cổng; lần khác lại trách chú thiếu cảnh giác khi thợ điện nước vào công ty sửa chữa mà không đi theo giám sát; phải để mắt tới cả xe của đội vệ sinh môi trường vào công ty thu gom rác. Anh ta còn “chỉ giáo” chú về nghiệp vụ bảo vệ, rằng không nên ngồi hoài nơi cổng mà thỉnh thoảng phải đảo quanh cơ quan; vị trí ngồi cũng như đi kiểm tra không để thành quy luật, phòng kẻ gian bắt bài… Sếp thì có quyền ăn nói nhưng anh ta phải biết mình đang nói với ai chứ; khi chú tôi dọc ngang trên chiến trường chắc anh ta còn là thể khí! Đã thế, nói với bậc cha chú mà giọng anh ta vênh lên đầy vẻ cao ngạo, khi lại gào oang oang như quạ, lúc dằn từng tiếng, nghe dễ ghét! Điệu bộ chống nạnh và cái tay chỉ trỏ hách dịch kia khiến tôi nóng mặt, nếu đặt vào vị trí của chú, chắc tôi chửi một trận cho hả rồi “bay” thẳng.

Tôi bực nhưng chú út không bận tâm về điều đó. Trước vẻ tinh tướng của giám đốc công ty, chú vẫn giữ thái độ đúng mực. Bị nhắc nhở nhưng chú chẳng tỏ vẻ bức xúc, vẫn điềm đạm: “Tôi nhớ rồi”; “Anh yên tâm, sẽ không lặp lại đâu”; “Tôi sẽ làm tốt hơn”… Biết tôi dị ứng trước thái độ khiếm nhã của giám đốc, chú cười rộng lượng: “ Người trẻ thường thích thể hiện nhưng cậu ấy tốt tính; đặc biệt, công ty có rất nhiều hoạt động từ thiện”. Chú còn “làm mát” cho cả tôi bằng cách buông lời xa xôi: “ Làm chỉ huy nhiều khi cần lạnh lùng, không để lẫn tình cảm vào công việc”. Chú nói sao nghe vậy nhưng tôi thấy khó đồng tình với nhận xét tốt dành cho giám đốc công ty. Bởi thế, tôi không còn hay đến thăm chú ở chỗ làm bởi không muốn thấy người thân của mình bị kẻ khác chê bai, sai bảo. Lần gần đây tôi đến chỗ chú là vì một lý do khác.

Bữa đó là ngày nghỉ nhưng chú út vẫn đi làm. Tầm chiều chiều, nghe  tiếng nói cười nhộn nhạo từ phía nhà chú, tôi sang mới hay đồng đội cũ, đúng hơn là những người lính một thời dưới quyền chú đến thăm thủ trưởng cũ. Thời đại kết nối thông tin toàn cầu, sao lại có cuộc thăm viếng đột ngột thế này? Lý do là muốn dành cho gia chủ sự bất ngờ. Chú đang trực, tất nhiên không thể về tiếp khách. Không mất thời gian chờ đợi, cả đoàn gồm bảy vị lên ba xe con tìm đến chỗ chú làm. Tôi ngồi xe đầu dẫn đường. Qua chuyện trò, tôi được biết lính của chú bây giờ có người là giám đốc sở, chủ tịch huyện, là doanh nhân thành đạt… Thời gian cùng sự biến thiên khiến cương vị xã hội có thay đổi nhưng tình đồng đội trong họ vẫn vẹn nguyên. Tôi vui, xen lẫn tự hào khi nghe họ kể những kỷ niệm cùng tình cảm tốt đẹp dành cho chú của mình.

Chắc ngạc nhiên thấy những chiếc xe sang trọng đổ ngay trước cổng công ty, chú lật đật chạy ra hỏi khách. Cả đám xuống xe vây quanh chú, ngỡ ngàng rồi vỡ òa niềm vui; chú bối rối trong vòng tay đồng đội. Họ ôm chầm lấy chú xuýt xoa, thảng thốt. Nhìn những ông khách sang trọng bóng nhoáng, lại nhìn chú gầy nhom trong bộ quân phục bạc màu, tôi chạnh lòng. Nhưng giữa họ dường như không có khoảng cách. “Thủ trưởng còn nhớ em không?”; “Chắc anh quên em rồi?”; “Ai đây, đố anh?”. Những chất vấn ấy vây quanh khiến chú lúng túng, cứ luôn miệng “từ từ nhớ lại đã”; để rồi sau đó, niềm vui vút lên khi chú nhận ra đồng đội xưa. Phòng làm việc của nhân viên bảo vệ bỗng chật hơn bởi tiếng nói cười tràn ngập.

Những ánh mắt hiếu kỳ từ văn phòng công ty gần đó dồn về phía phòng bảo vệ. Giám đốc công ty lững thững đi tới, buông lời khó chịu: “Có gì mà vui vẻ thế này?”. Đám người mải vui, không để ý sự có mặt của giám đốc. Anh ta đứng im nhìn một lúc, nét mặt đăm đăm bỗng đổi sắc. Mắt chớp chớp rồi anh ta rẽ đám đông, bước tới hồ hởi bắt tay người đàn ông đang quàng tay qua vai chú út. Giám đốc công ty bất ngờ hạ giọng, có ý trách ông khách đang bắt tay: “ Anh tới sao không báo trước?”. Mọi người trố mắt. Người đàn ông bị trách tươi cười: “ Mình đến thăm thủ trưởng cũ, không làm việc với công ty”. Thì ra người đàn ông có giọng nói trầm ấm ấy là giám đốc sở xây dựng, nghĩa là sếp của giám đốc công ty… Chuyện gặp nhau của hai vị giám đốc tạm để sang bên, cuộc vui hội ngộ tiếp tục. Trong khi đồng đội xưa thay nhau kể những kỷ niệm thời ở chiến trường, chú út vẫn ngồi im, miệng tươi cười và niềm vui long lanh trong ánh mắt. Thỉnh thoảng chú lên tiếng bổ sung cho trí nhớ của đồng đội đang ôn lại chuyện hơn ba mươi năm trước. Nghe chuyện một lúc, giám đốc công ty nhìn chú tôi rồi hướng về phía cấp trên của mình, rụt rè: “Đây là…”. Giám đốc sở xây dựng càng siết chặt bờ vai chú út, giọng trân trọng lẫn hài hước: “ Đây là đại đội trưởng của tôi khi làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn. Ngó lù khù vậy chứ ba lần được thưởng huân chương Chiến công đấy!”. Mọi người cười vui tán thưởng; giám đốc công ty im lặng, vẻ ngỡ ngàng lẫn lúng túng.

Sau lần gặp bất ngờ ở công ty không lâu, chú út còn lần gặp bất ngờ nữa, tại nhà. Bữa đó, đúng phiên chú trực nhưng văn phòng công ty thông báo cho nghỉ. Trong khi chú đang băn khoăn về lý do được nghỉ thì giám đốc công ty tới thăm. Xe đổ trước cổng, anh ta bước vội vào nhà, với lẵng hoa trên tay cùng nét mặt rạng rỡ. Nhìn chú út đang ngỡ ngàng, anh ta tươi cười: “Thưa chú, sắp tới ngày kỷ niệm thành lập Quân đội, cháu thay mặt công ty chúc mừng chú…”. Anh ta trao quà tặng hoa rồi ôm chú thắm thiết. Chú bối rối, lời cảm ơn nghẹn lại trên môi.

Nguyễn Trọng Hoạt


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Ánh trăng khuya
09:27, 07/06/2013
Mắt người điên
16:43, 27/05/2013
Nước mắt
23:13, 24/05/2013
Tình nghĩa
15:58, 24/05/2013
Ngọt ngào tuổi thơ
15:17, 18/05/2013
(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.