Multimedia Đọc Báo in

Ánh trăng khuya

09:27, 07/06/2013

Ngày ông nội tôi mất, trời mưa tầm tã. Lúc đưa tang người ta phải dùng xô, múc nước dưới huyệt lên, quan tài ông mới chịu nằm yên trong huyệt. Người lớn kháo nhau rằng đó là do ông tôi chưa muốn ra đi; có người thì bảo rằng do ông tôi bị ung thư phổi nên người ốm nhẹ, quan tài trống nhiều nên mới nổi. Tụi con nít ở xóm, đứa nào cũng rơm rớm nước mắt lặng lẽ. Giờ đây không còn ai làm những cánh diều đủ màu sắc cho chúng, không còn ai chia cho chúng những múi mít thơm lừng giữa trưa hè nắng gắt với những câu chuyện khai hoang vùng đất Tây Nguyên nhiều huyền thoại. Ông đi rồi… ai sẽ xoa đầu mỗi khi tôi khoe điểm mười và cười nắc nẻ khi dúi người vào chòm râu bạc với cảm giác nhồn nhột thích thú. Tôi khóc òa, cầm chặt gói thuốc rê, nhất định không cho người ta chôn theo ông vì chính loại thuốc này đã gây ra bệnh phổi cướp đi ông của tôi.

Từ ngày ông nội mất, ba tôi hút thuốc nhiều hơn, trông ông tiều tụy, già hẳn đi. Cuộc sống thiếu thốn và cơ cực đã khiến ba tôi già hơn tuổi bốn mươi. Việc chạy lo bữa ăn hằng ngày cho năm anh em tôi đang tuổi ăn tuổi lớn thật nhiều khó khăn. Những bữa cơm độn với sắn, khoai lang khiến nhiều đêm trước hiên nhà, ba ngồi trầm tư rít những hơi thuốc dài, ngắm ánh trăng khuya hiu hắt. Tôi biết ba đang khóc, khóc vì nhớ ông! Cả cuộc đời ba là chuỗi dài cơ cực. Là con trai trưởng trong gia đình nhưng vẫn chưa lo được gì cho ông nội tôi cho tới ngày ông mất.

Tôi nhận được giấy báo nhập học của trường đại học như hai anh tôi đã từng nhận. Còn hai tháng nữa là tôi sẽ lên đường thực hiện ước mơ là sinh viên đại học. Nỗi lo càng chồng chất trên đôi vai của ba má tôi…

Đêm đó trước hiên nhà, vẫn bóng dáng khắc khổ ngồi im như bất động với những làn khói thuốc lan tỏa rồi tan biến vào ánh trăng vàng vọt. Ba tôi khẽ nói:

- Ba sẽ bỏ thuốc, sẽ lo cho con học đại học.

Giọng nói khàn đặc, nghèn nghẹn nhưng tôi nhận thấy nó chứa đựng sự quyết tâm và mạnh mẽ của người đàn ông từng trải ít nói như ba tôi. Rồi ba cất đi cái bàn xắt thuốc mà ngày nào tôi vẫn thường chống cằm xem ông tôi đưa những nhát dao sắc lẹm để tạo ra những sợi thuốc vàng óng. Cái bàn là gia tài duy nhất ông để lại cho ba. Cả cái gạt tàn bằng gốc cà phê tự tay tôi gọt giũa cũng được ba gói cẩn thận cho vào tủ. Có những đêm tôi giật mình tỉnh giấc bởi nghe tiếng ho khản đặc, thấy ông đi đi lại lại trong nhà và có nhiều đêm khác lại thấy ông đang thở dốc với những nhát cuốc vỡ tan mảnh đất khô cằn trước sân nhà; ánh trăng chiếu sáng người ông nhễ nhại mồ hôi. Tôi biết ông đang thèm, nhớ thuốc nên không ngủ được và tôi cũng biết ông đang giúp tôi thực hiện ước mơ của mình.

Ngày tôi lên đường đi thành phố học đại học, ngoài số tiền bán đôi lợn chớm lớn, ba còn dúi vào tay tôi một nắm tiền cùng lời dặn: “Ráng học nghe con, đừng tập tành hút sách!”.

Tôi rảo bước lên đường, lòng rưng rưng nước mắt với số tiền chứa đựng bao nghị lực và mồ hôi của ba tôi. Điều làm tôi tự hào và vui sướng là sắc mặt ba tôi rám nắng nhưng khỏe mạnh, giọng nói ông khỏe hơn. Tôi biết ông đã bỏ được thuốc.

Bảo Châu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.