Multimedia Đọc Báo in

Đồ điện tử chứa nhiều chất kịch độc gây bệnh nan y

09:29, 25/05/2012

Các loại thiết bị điện tử đều có chứa rất nhiều hóa chất độc hại, đặc biệt là 6 chất kịch độc có thể gây tác hại cho con người khi trở thành rác thải điện tử và bị xử lý không đúng cách.

"Sởn gai ốc" vì bệnh nan y

Tại Diễn đàn Công nghệ thông tin Xanh (Green IT) do Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây ở Hà Nội, ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đã công bố nhiều thông tin khiến người dùng thiết bị điện tử "sởn gai ốc".


Theo ông Hùng, các thiết bị điện tử chứa rất nhiều chất gây hại cho sức khỏe con người. Chẳng hạn, trong mạch in có tới 15 loại hóa chất như đồng, chì, sắt, niken, kẽm, sợi thủy tinh (2 hóa chất nguy hiểm nhất là chì và cadmium); pin, ắc quy, ống đèn hình trong monitor hoặc tivi đời cổ cũng có 2 chất rất nguy hiểm là cadmium và ôxit chì; các loại công tắc, màn hình phẳng thì chứa thủy ngân; trong tụ điện, biến thế có PBB và PBDE là 2 chất cực độc; vỏ máy nhựa, chất cách điện trong dây cáp cũng gây tác hại khi phân hủy…

Ông Hùng nêu đích danh 6 loại chất kịch độc có thể gây ra những căn bệnh nan y cho con người. Cụ thể, chì tác động đến hệ thần kinh, cơ quan tạo ra máu, ảnh hưởng đến sự phát triển trí nhớ của trẻ em thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị này; thủy ngân tác động đến da và chức năng sinh sản; cadmium gây hại gan, thận, làm mềm xương, gây ung thư phổi; crom 6 gây bệnh lở loét, thậm chí là ung thư da; PBB ảnh hưởng tới hệ thần kinh và suy giảm trí nhớ của con người; PBDE gây rối loạn hormon (tương tự độc tính có trong chất độc màu da cam), sinh ra những dị tật.

Khi các thiết bị trở thành rác điện tử, "trải qua" quá trình xử lý lạc hậu, thô sơ, những chất độc trên sẽ có cơ hội để "tác oai tác quái" gây nguy hiểm cho con người. "Bản thân rác thải điện tử không độc hại nhưng sẽ gây hại cho con người và môi trường khi bị xử lý, tháo dỡ, tái chế không đúng cách", ông Hùng nhấn mạnh.

Thách thức trong quản lý rác điện tử

Tại Việt Nam, chưa có thống kê chính thức về lượng rác điện tử. Tuy nhiên, theo thống kê của 1 tổ chức quốc tế, trung bình mỗi năm 1 người Việt thải ra 1 kg rác thải điện tử, nếu nhân với 90 triệu dân thì tổng lượng rác điện tử lên tới 90.000 tấn/năm. Chưa kể với hành lang pháp lý khá lỏng lẻo, Việt Nam không thể kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu rác điện tử và đang trở thành một bãi rác điện tử của thế giới.Việc xử lý rác thải điện tử chủ yếu tập trung ở khu vực tư nhân nhỏ lẻ với công nghệ thô sơ (các vựa thu gom rác điện tử chỉ dùng búa, tuốc nơ vít, xô, coóng... để tháo dỡ, lấy linh kiện, bán lại phụ kiện; hoặc phân kim một số chất ngon ăn như bạc, vàng...).

Về nguyên tắc, không thể tiêu hủy rác thải điện tử theo cách xử lý rác thải sinh hoạt thông thường, nếu đốt thì 6 chất cực độc sẽ làm ô nhiễm không khí (nhất là chì, cadmium,..) còn nếu chôn thì ô nhiễm nguồn nước. Thế nhưng, hầu như vẫn chỉ có 2 cách này được dùng để xử lý rác điện tử. Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa chú trọng đến lĩnh vực quản lý rác thải điện tử. Điểm lại hệ thống văn bản luật liên quan thấy quá nghèo nàn. Chỉ có 2 văn bản là: Quy định tạm thời về hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện tử (được Bộ Công Thương ban hành năm ngoái) và Dự thảo Quy định về thu hồi và xử lý một số sản phẩm thải bỏ (pin, ắc quy, bóng đèn compact và huỳnh quang, máy vi tính, máy in) đang được Bộ Tài nguyên-Môi trường lấy ý kiến, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ.

Với những tác hại đáng sợ của hóa chất có trong thiết bị điện tử, đã đến lúc Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và cả người tiêu dùng cần có ý thức đúng đắn hơn về vấn đề rác thải điện tử.

Nguồn ICTnews


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.