Multimedia Đọc Báo in

Nhà nước sẽ hỗ trợ 50 – 70% chi phí đào tạo cho doanh nghiệp phần mềm

05:12, 18/05/2012

Dự án "Hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp" do Bộ Thông tin –Truyền thông (TT-TT) triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang được xem như giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) phần mềm. Trong đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 50 – 70% chi phí đào tạo, DN chỉ cần phải trả 30 – 50% chi phí còn lại.

Thiếu hụt kỹ năng

Với kinh nghiệm nhiều năm tiếp xúc với DN phần mềm, ông Lâm Quang Nam, Giám đốc Ban Đào tạo và Phát triển hội viên, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) nêu tổng quát 2 vấn đề khó khăn lớn đối với DN phần mềm hiện nay. Thứ nhất về vấn đề pháp lý, các DN vẫn thiếu hiểu biết, kinh nghiệm về sở hữu trí tuệ, thỏa thuận mức dịch vụ, thỏa thuận bảo mật, chính sách nhập khẩu thiết bị phục vụ cho nghiên cứu và phát triển. Thứ hai, vấn đề tài chính thì khả năng hạn chế để tìm kiếm vốn đầu tư, tìm kiếm vốn lưu động, kỹ năng áp dụng chính sách giá, khai báo thuế.

Tại Hội thảo triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ tổ chức đào tạo các khóa ngắn hạn cho DN CNTT” mới đây, ông Nam đã dẫn chứng một loạt ví dụ cụ thể để minh họa cho những bất cập liên quan tới vấn đề pháp lý như: Nhiều công ty sau khi xây dựng hệ thống CNTT cho khách hàng theo hợp đồng rồi lại đem sản phẩm về gắn tên khác để kinh doanh, hành vi này vi phạm trắng trợn quy định về sở hữu trí tuệ nhưng đến giờ vẫn không thấy ai cảnh báo. Hoặc hầu hết DN phần mềm hiện nay làm dịch vụ nhưng ít quan tâm tới thỏa thuận dịch vụ, vì thế đã có tình huống sau khi giao hàng đợt 1 cho khách hàng, trong thời gian chờ đợi để triển khai đợt 2 thì không dám làm gì khác, và trong thời gian chờ này lại không được nhận chi phí gì từ khách hàng. Nếu biết xây dựng những thỏa thuận mức dịch vụ theo kinh nghiệm quốc tế ngay từ đầu thì thời gian chờ này cũng được tính chi phí không nhỏ. Còn về vấn đề tài chính, hầu hết DN phần mềm không biết cách vẽ kế hoạch kinh doanh để thu hút nhà đầu tư rót vốn; không biết những “chiêu thức” hợp pháp hữu hiệu để tăng hiệu quả khi làm thủ tục vay vốn ngân hàng hoặc khai báo thuế (đã có trường hợp vì thiếu hiểu biết về chính sách thuế nên bị cán bộ thuế ăn chặn). Điều này cũng dễ hiểu bởi phần lớn lãnh đạo DN phần mềm đều xuất thân từ “dân” công nghệ.

Ông Nam khẳng định các DN phần mềm đang có rất nhiều nội dung công việc cần được đào tạo liên quan tới các mảng kinh doanh, công nghệ, nhân lực… song lại thiếu tiềm lực để tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại nhân lực cho mình.

Hỗ trợ 50 – 70% kinh phí cho 5.000 lượt nhân viên

Trước vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT-TT triển khai dự án “Hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho DN” trong 2 năm 2011 – 2012.

Nhắm tới mục tiêu góp phần phát triển nguồn nhân lực công nghiệp phần mềm và nội dung số để hỗ trợ, tăng cường năng lực cạnh tranh của DN CNTT đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, Dự án sẽ hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho tổ chức, DN liên quan tới những nội dung đào tạo chuyên sâu về kỹ năng chuyên môn, công nghệ mới như phân tích, thiết kế, quản trị dự án, cải tiến quy trình, quản lý rủi ro, kỹ năng kinh doanh, phát triển ứng dụng mã nguồn mở, đào tạo về kỹ năng quản lý trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số… Dự án “Hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho DN” có 2 nhóm nội dung đào tạo, bồi dưỡng cơ bản: Một là nhóm nội dung đào tạo về kỹ thuật – đào tạo theo các chứng chỉ quốc tế như CCNA, Java Technologies, MCTS, MCITP, Oracle OCA, Oracle OPC…, và các nội dung đào tạo theo nhu cầu khác của DN như lập trình, cơ sở dữ liệu, multimedia… Hai là nhóm nội dung đào tạo về kỹ năng mềm như quản lý dự án, cải tiến quy trình, quản lý rủi ro, kỹ năng kinh doanh. Đặc biệt là có cả những nội dung đào tạo theo yêu cầu của chính các DN phần mềm. Điểm đáng lưu ý nhất của Dự án này là Nhà nước sẽ hỗ trợ 50 – 70% chi phí đào tạo, DN chỉ cần phải trả 30 – 50% chi phí còn lại.

Chia sẻ thêm về Dự án, ông Phan Thế Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT-TT (Bộ TT-TT), đại diện Ban quản lý Dự án cho biết, dự kiến sẽ có khoảng 5.000 – 6.000 lượt nhân viên của các DN phần mềm được tham gia đào tạo. Trong đó, các lớp đào tạo theo nội dung chứng chỉ quốc tế và 113 lớp đào tạo kỹ thuật thiết kế theo yêu cầu DN sẽ được Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí; 86 lớp đào tạo kỹ năng mềm thiết kế theo yêu cầu DN được hỗ trợ 50%.

Với sự tiếp sức của Chính phủ, các DN phần mềm sẽ có được đội ngũ nhân lực trình độ cao hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nói riêng và ngành công nghiệp phần mềm, công nghiệp CNTT Việt Nam nói chung trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nguồn ICTnews


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.