Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới: Kinh nghiệm từ những xã về đích

10:04, 06/10/2014

Môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của các cấp, ngành, địa phương và phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đến nay toàn tỉnh đã có 9 xã đạt tiêu chí này.

Những năm trước, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải đã trở thành vấn đề nhức nhối không chỉ đối với chính quyền địa phương mà cả người dân ở xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar). Những bãi rác tự phát dọc các tuyến đường ở xa khu dân cư, vắng người qua lại gây ô nhiễm dần mọc lên do một bộ phận người dân nhận thức kém, điều này đã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Không những thế, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng là vấn đề nan giải. Nhằm giải quyết triệt để tình trạng này và tiến tới việc thực hiện tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã Quảng Tiến đã thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung trong các tầng lớp nhân dân. 

Thanh niên tham gia làm vệ sinh môi trường khu vực hồ Ea Kao, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).
Thanh niên tham gia làm vệ sinh môi trường khu vực hồ Ea Kao, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

Đồng thời, vận động các hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas và nhà tiêu hợp vệ sinh; các hộ chăn nuôi quy mô lớn thì di dời đến địa điểm cách xa khu dân cư... Ông Phạm Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến phấn khởi nói: “Trong quá trình triển khai thực hiện tiêu chí môi trường, địa phương không phải tốn nhiều kinh phí đầu tư mà chủ yếu nhờ sự nỗ lực và tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân. Để nhân dân thực hiện và làm theo, trước hết các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương đã tiên phong, gương mẫu đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể như Đoàn Thanh niên xã đã thành lập Đội Thanh niên tình nguyện (30 thành viên) và Đội Thanh niên xung kích (7 thành viên) với các hoạt động thường xuyên như: ra quân xóa biển quảng cáo, rao vặt trái phép, thu gom rác thải ở các khu vực công cộng, khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh dọc các tuyến đường…; hay Hội Phụ nữ xã với phong trào “5 không, 3 sạch”, mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản”…

Đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn xã Quảng Tiến đã ký hợp đồng thu gom rác thải với Công ty Vệ sinh môi trường và Đô thị Cư M’gar. Theo quy định, mỗi tuần 2 lần, các xe chuyên dụng của Công ty sẽ đến từng thôn để  thu gom rác về nơi tập kết, xử lý, nhờ đó, việc đổ rác bừa bãi hay những điểm tập kết, bãi rác tự phát trên địa bàn xã giờ đã không còn xuất hiện. Ngoài ra, Ban tự quản các thôn đã xây dựng kế hoạch và tổ chức vận động người dân tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh… tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp vào ngày thứ bảy của mỗi tuần. Bên cạnh đó, nhiều hộ chăn nuôi đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải như xây dựng hầm biogas, trồng cây xanh để bảo vệ môi trường... Đối với chỉ tiêu sử dụng nước sạch, hiện nay Quảng Tiến đã có trên 90% số hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế,  trên 90% số hộ gia đình có nhà tiêu đạt vệ sinh; xã cũng đã có nghĩa trang nhân dân với tổng diện tích 3 ha. Đến thời điểm này xã đã đạt 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang phấn đấu đến cuối năm 2014 sẽ cơ bản xây dựng thành công xã NTM.

Đoàn viên, thanh niên xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) trồng cây xanh  trên địa bàn xã.
Đoàn viên, thanh niên xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) trồng cây xanh trên địa bàn xã.

Hay như cách làm của xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), mặc dù cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn (44% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số) nhưng với sự nỗ lực, đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đã đạt tiêu chí môi trường. Có thể nói, trong Chương trình xây dựng NTM, không chỉ đối với xã Ea Kao mà cả những địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, thì vệ sinh môi trường nông thôn là một tiêu chí khó bởi thói quen chăn nuôi thả rông, không xây dựng chuồng trại đúng tiêu chuẩn, cũng như đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn đang là trở ngại lớn... Do đó, để thay đổi nhận thức của bà con, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã vận động hộ dân các buôn chăn nuôi theo mô hình chuồng trại, xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải, giảm thiểu mùi hôi thối từ chăn nuôi. Đồng thời, tham gia vào việc ký kết với Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Dak Lak để thu gom và xử lý chất thải; những khu vực xa trung tâm thì xử lý bằng cách chôn lấp tại vườn, nương rẫy; khuyến khích nhân dân đầu tư xây dựng công trình hợp vệ sinh, cải tạo vườn tạp, trồng cây xanh. Bên cạnh đó, để giữ gìn vệ sinh chung, UBND xã đã giao trách nhiệm cho các tổ chức, đoàn thể thường xuyên tiến hành vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm...

Đối với xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột), ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào việc bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, chính quyền xã đã quy hoạch điểm chăn nuôi (rộng 60 ha) và khu vực dành riêng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiểu thủ công nghiệp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, khói bụi hay tiếng ồn. Đến nay, tất cả các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn xã đều được chuyển vào khu quy hoạch và thực hiện quy trình xây dựng chuồng trại an toàn, bảo đảm vệ sinh. Toàn xã đã có trên 90% hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; 100% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt chuẩn. Xã cũng quan tâm đầu tư và đạt chỉ tiêu về tỷ lệ số cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường và chỉ tiêu chất thải, nước thải trong khu dân cư, chợ, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom và xử lý theo quy định...

Có thể nói, trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, tiêu chí về môi trường được đa số các địa phương đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện. Tuy nhiên, một khi đạt được tiêu chí này, đồng nghĩa với việc bảo vệ môi trường được quan tâm hơn, nhận thức của các tầng lớp nhân dân cũng được nâng lên sẽ góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng sống của người dân ở khu vực nông thôn.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.