Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Kỳ 2)

11:17, 19/04/2020

Câu 7. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm được quy định như thế nào?

Điều 5 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm như sau:

(1) Ưu tiên, hỗ trợ đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng.

(2) Ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế.

(3) Hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học, trao đổi và đào tạo chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

(4) Hỗ trợ điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm do rủi ro nghề nghiệp và trong các trường hợp cần thiết khác.

(5) Hỗ trợ thiệt hại đối với việc tiêu hủy gia súc, gia cầm mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

(6) Huy động sự đóng góp về tài chính, kỹ thuật và nhân lực của toàn xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

(7) Mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên diễn tập phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Tiên Ông
Y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên diễn tập phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Tiên Ông

  Câu 8. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 7 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm như sau:

(1) Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo chống dịch.

(2) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

(3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

  Câu 9. Pháp luật quy định như thế nào về những hành vi bị nghiêm cấm?

Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định những hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

(1) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

(2) Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

(3) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

(4) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

(5) Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

(6) Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

(7) Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

  Câu 10. Cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm như thế nào?

Điều 13 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trong việc vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm, như sau:

(1) Cơ sở giáo dục phải xây dựng ở nơi cao ráo, sạch sẽ, xa nơi ô nhiễm, đủ nước sinh hoạt, công trình vệ sinh; phòng học phải thông thoáng, đủ ánh sáng; thực phẩm sử dụng trong cơ sở giáo dục phải bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn.

(2) Cơ sở giáo dục có trách nhiệm giáo dục cho người học về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm bao gồm vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong sinh hoạt, lao động và vệ sinh môi trường.

(3) Đơn vị y tế của cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh; kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Câu 11. Việc vệ sinh trong cung cấp nước sạch, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt được quy định như thế nào?

Điều 14 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về vệ sinh trong cung cấp nước sạch, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, như sau:

(1) Nước sạch phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

(2) Cơ sở cung cấp nước sạch có trách nhiệm áp dụng các biện pháp kỹ thuật, giữ gìn vệ sinh môi trường, tự kiểm tra để bảo đảm chất lượng nước sạch.

(3). Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra chất lượng nước sạch do các cơ sở cung cấp; kiểm tra việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp nước sạch.

(4) UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh, không để ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; tạo điều kiện cho việc cung cấp nước sạch.

(5) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn vệ sinh, không để ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Câu 12. Việc vệ sinh trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm và động vật khác được quy định như thế nào?

Điều 15 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về vệ sinh trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm và động vật khác, như sau:

(1) Việc chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm và động vật khác phải bảo đảm vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt hoặc làm phát tán tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

(2) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thú y chịu trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp vệ sinh trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm và động vật khác để tránh làm lây truyền bệnh cho người.

(Còn nữa)

Nguyễn Tuấn Quang (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.