Multimedia Đọc Báo in

Tháng tư năm ấy...

09:40, 28/04/2021

Mấy lần không vượt được Đường 21 (nay là Quốc lộ 26), Nguyễn Đức Hiển phải dẫn quân quay trở lại, giã đến gùi lúa cuối cùng mới tới được Suối Đôi (vùng H5) làm nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn.

Hà Ngọc Đào, Nguyễn Trúc nắm địa bàn H6 (Buôn Ma Thuột) thường ngày liên lạc với cơ sở cách mạng như Lưu Tiến Vinh, Võ Thành Công, Nguyễn Thị Ngọc…

Địch còn ném bom xuống chợ Buôn Ma Thuột để gây náo loạn và đổ quân xuống Phước An định tái chiếm Buôn Ma Thuột, âm mưu của chúng thất bại nhưng với ta, khó khăn còn chồng chất như: Phân loại tù, hàng binh; khôi phục lại điện, nước; mở lại chợ; mở lại trường học… để ổn định đời sống nhân dân.

Anh Hồ Thược, Trưởng Ban Giáo dục gửi công điện cho anh Hoàng Đức Hiển thúc giục mọi người ra H6. Trong công điện có câu nhấn mạnh: Không ra nhanh là có tội với cách mạng. Chúng tôi vội vã lên đường. Khi qua Đường 21, có cảm giác sung sướng được đi giữa nắng trưa khi không còn địch chốt chặn mà trước đó chỉ đi vào ban đêm. Trần Ngọc Miện – bạn đồng khóa vượt Trường Sơn vào Đắk Lắk với tôi, trật mũ tai bèo ra sau gáy, không sợ nắng, đếm đi đếm lại số bước chân chiều ngang của đường, rồi lại đi dọc một đoạn chiều dọc của đường với vẻ hả hê, hạnh phúc lắm. Điểm đến đầu tiên là Đạt Lý, mắc võng thảnh thơi dưới hàng cây mít, cây bơ do dân trồng. Hôm sau lại hành quân về Mê Van thuộc H5 dưới tán rừng cao su để sau đó vào Quảng Phú, Quảng Nhiêu gặp gỡ giáo viên tại Trường Sao Mai, tuyên truyền chính sách của Mặt trận Giải phóng. Ngày hôm sau lại đi bộ vào Buôn Ma Thuột, tập kết tại Trường Giáo học Bổ túc. Địa điểm đó bây giờ là Sở Giáo dục. Vui mừng, hạnh phúc quá khi gặp nhau giữa Ban Mê. Có một kỷ niệm vui: Nhà xây nên chẳng có chỗ nào buộc võng. Võng thay chiếu, trải ra nằm ngủ. Quen nằm võng nên tưởng như đầu bị chúi xuống. Trằn trọc mãi, chuyện râm ran cho đến khi mệt thiếp đi.

Đêm đầu tiên ngủ ở Buôn Ma Thuột là như vậy.

Lãnh đạo Ban có ba người là Hồ Thược, Hồ Ngọc Đào, Nguyễn Thị Phương lo gặp gỡ Ủy ban Điều quản xin lương thực, thực phẩm cho hai trường sư phạm: Giáo dục Bổ túc và Sư phạm Cao Nguyên (Sư phạm Cao Nguyên nay là địa điểm Trường Đại học Tây Nguyên đào tạo giáo viên người dân tộc thiểu số cho cả Tây Nguyên). Phân công cán bộ đi tiếp quản các cơ sở giáo dục thị xã Buôn Ma Thuột và các huyện. Xin viết lại một số đoạn do Hà Ngọc Đào viết trong tài liệu đã in - Giáo dục Đắk Lắk thời chống Mỹ: “Theo phản ánh chung ngày 19-4-1975: Trường Tiểu học Hùng Vương, nay là Trường Mẫu giáo Tự An, mất hồ sơ, sổ điểm, phấn viết. Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (đối diện rạp Hưng Đạo) có hai giáo viên nhà bị cháy phải vào ở trong trường. Trường mới đào được hai hầm. Có 20 giáo viên đến nhận nhiệm vụ. Trường Võ Tánh hỏng, mất 13 bàn, 7 ghế, giáo viên trình diện đủ, học sinh đến một nửa. Trường Tiểu học Quang Trung mất hồ sơ, không có phấn, đang sửa lại lớp học. Trường Tiểu học Phát Triển, bộ đội giải phóng đang đóng quân. Trường Trung học Tổng hợp (nay là Trường THPT Buôn Ma Thuột) có 70 lớp, 3.551 học sinh, từ lớp 6 đến lớp 12. Trường Trung học Bồ Đề của Phật giáo (nay là Trường Tiểu học Lê Hồng Phong) có 22 lớp, cấp II có 1.035 học sinh, cấp III có 483 học sinh. Trường Trung học Hưng Đức của Thiên chúa giáo (nay là Trường Tiểu học Ngô Quyền) có 19 lớp, cấp II có 1.342 học sinh, cấp III có 497 học sinh…”.

Chi tiết, tỉ mỉ, sống động những ngày tháng tư năm ấy. Lúc đó toàn tỉnh có khoảng 100 trường, 2.000 giáo viên và 30.000 học sinh (lúc đó dân số cả Đắk Lắk, Đắk Nông khoảng 360.000 người).

Cùng với việc tiếp quản tại Buôn Ma Thuột, một số được cử đi các huyện xa. Nguyễn Hữu Uyển được cử đi Cheo Reo – Phú Bổn (lúc đó thuộc Đắk Lắk). Ở đó đã có Y Trí trấn giữ. Tôi cũng không ngoại lệ, được cử về Đắk Mil, Đắk Nông, tăng cường cho bọn tôi là Đào Xuân Chính, người Ninh Bình trấn giữ H8 từ trước đó. Tôi đi nhờ xe của bộ đội. Lúc bấy giờ Quân đoàn 3 mới thành lập đang dồn dập kéo về Sài Gòn. Tăng, pháo đầy đường, có cả xe kéo tên lửa rất khí thế.

Đó là những ngày của tháng 4 -1975. Tôi đi một số trường rồi tập trung giáo viên về trường ở Đức Lập để nói chuyện tuyên truyền chính sách của Mặt trận và tin tưởng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước một ngày không xa.

Hồi ức về tháng 4-1975 cứ bật dậy, 46 năm rồi mà tưởng mới hôm qua.

Bằng cảm quan và lãng mạn cách mạng, tôi đã nhẩm bài thơ “Đi trong hương cà phê” để nhờ cô Hương trong Văn phòng Ủy ban Quân quản Đức Lập đánh máy giúp. Lúc đó có loại ruy băng hai màu. Nửa chữ trên màu đen, nửa dưới chữ màu đỏ, tôi nhớ mãi. Xin trích lại khổ thơ kết với niềm tin hạnh phúc sẽ dâng tràn trên quê hương Đắk Lắk:

Cờ ta bay rợp nhà, rợp phố

Từ lòng ta lộng gió cuốn lên cao

Hạnh phúc tròn mùa – cà phê chín đỏ

Ta mãi thương nhau như thuở ban đầu..

Hồi ký của Hữu Chỉnh

(Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.