Multimedia Đọc Báo in

Mặn mòi hương biển Lý Sơn

20:57, 18/07/2014

Huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi cách đất liền 18 hải lý (hơn 32 km). Ngay từ đầu thế kỷ 17, nơi đây đã có đội hùng binh được Chúa Nguyễn cử đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Mỗi năm, huyện Lý Sơn phải gánh nhiều ảnh hưởng bất lợi của thời tiết: khô hạn mùa nắng, giông bão nhiều vào mùa mưa. Vượt lên sự khắc nghiệt vốn có, ngư dân vẫn bám biển ra khơi hằng ngày. Hơn thế, sự khắc nghiệt ấy đã tạo nên đặc sản tỏi Lý Sơn, nổi tiếng trong nước và thế giới. Một ngày thăm đảo Lý Sơn đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng sâu sắc.

7 giờ sáng, cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn) tấp nập tàu thuyền và dòng người trong, ngoài tỉnh đổ về. Cùng tâm trạng như 200 hành khách trên chuyến tàu tốc hành, tôi háo hức đến với đảo Lý Sơn. Nhìn thấy cờ Tổ quốc bay phấp phới trên những con tàu, tôi nhắm mắt lắng nghe tiếng sóng biển, lòng lâng lâng cảm xúc khó nói thành lời. Suốt hành trình, không ít người đã bị say sóng. Tôi những tưởng mình sẽ nằm bẹp dí trên tàu như những lần say xe khách, nhưng thật lạ, sóng biển càng lớn càng khiến tôi hào hứng dõi theo. Đi gần 2/3 quãng đường, tôi chứng kiến từng đôi cá chuồn bay là là trên mặt nước. Mọi người bảo đó là điềm báo may mắn. Có lẽ vậy, với tôi - cô nhóc vùng núi được một lần ra đảo, thoải mái ngắm biển khơi là may mắn lớn rồi.

Tàu cá ngư dân Lý Sơn ra khơi.   Ảnh: Q.A
Tàu cá ngư dân Lý Sơn ra khơi. Ảnh: Q.A

Hơn 9 giờ, tàu cập cảng An Vĩnh, chính thức đưa chúng tôi đến Lý Sơn. Buổi sáng trên cảng thật tấp nập, hàng chục tàu thuyền chở đầy cá tôm tươi rói và quang cảnh buôn bán hải sản nhộn nhịp… Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những nụ cười hiền khô, mặn mòi hương biển của người dân. Với người con huyện đảo, chỉ có biển, được sống với biển thì họ mới là chính mình…

Chúng tôi dạo quanh đảo Lớn, rộng khoảng 10 km2. Ngoài đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế biển, thì nghề trồng tỏi được người dân Lý Sơn chú trọng. Vài chục năm gần đây, 80% dân số Lý Sơn sống nhờ cây tỏi. Mỗi năm, tỏi mang lại thu nhập cho huyện đảo từ 120 – 150 tỷ đồng. Họ rất vui mừng vì tỏi năm nay đạt năng suất cao, từ 550-600 kg/ha, giá bán tại chỗ từ 60 – 70 nghìn/kg. Với vị ngọt nhẹ, thơm ngon, không nặng mùi như các loại tỏi khác, có thể dùng để chế biến được nhiều món ngon, nước uống… tỏi Lý Sơn không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn được xuất khẩu. Nhờ vậy mà tỏi được ví như “vàng trắng” giúp cuộc sống người dân ổn định, trẻ em được đến trường học hành đầy đủ, nhiều gia đình trở nên giàu có.

Vườn rau xanh của Đại đội Pháo mặt đất  trên đảo  Lý Sơn.  Ảnh: Q.A
Vườn rau xanh của Đại đội Pháo mặt đất trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Q.A

Tôi khá ấn tượng khi thăm khu tăng gia của Đại đội Pháo mặt đất, Ban Chỉ huy Quân sự (Ban CHQS) huyện Lý Sơn. Trong cái nắng oi bức, khó chịu của trưa hè, hơn 30 luống rau các loại mà đơn vị trồng vẫn non xanh, căng tràn sức sống; đàn gà, vịt hơn trăm con béo tròn. Thú vị hơn là sau 1 năm thử nghiệm nuôi heo rừng trên đảo, đến nay đơn vị có trên 30 con heo rừng, trong đó nhiều con bắt đầu sinh sản… Các chiến sĩ cho biết, ngoài giờ huấn luyện, các anh lại tranh thủ tăng gia sản xuất. Vì vậy, dù nắng hạn hay mưa bão, ở đơn vị không thiếu thực phẩm. Một ngày thấy các chiến sĩ huấn luyện, học tập, tăng gia sản xuất mới hiểu được các anh không chỉ hết lòng bảo vệ Tổ quốc, mà còn có tài chinh phục thời tiết và sóng gió biển khơi trên đảo tiền tiêu. 

Đêm về trên huyện đảo thật yên bình, ấm áp. Chúng tôi được Ban CHQS mời cơm tối với đầy đủ hương vị huyện đảo gồm rau xanh, tỏi đảo và đặc biệt là cá biển, ốc biển. Sau bữa cơm ấm cúng, chúng tôi cùng sinh hoạt văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Nếu trong công việc, các anh rắn rỏi, thông minh cùng “tinh thần thép”, thì trong sinh hoạt, họ làm chúng tôi bất ngờ khi bỗng chốc trở thành những nghệ sĩ, nhạc công, ca sĩ tài năng. Tại buổi giao lưu văn nghệ, chúng tôi biết nhiều anh công tác hơn 10 năm ở huyện đảo, mỗi năm chỉ về thăm vợ con được 1-2 lần nhưng họ vẫn yên tâm thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Thượng uý Trần Ngọc Triều, Trợ lý tuyên huấn Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi tâm sự: “Tôi may mắn được công tác ở đảo một thời gian khá dài. Với chúng tôi, được sống và làm việc ở đảo là vinh dự của bản thân, là niềm tự hào của cả gia đình”.

Hôm chia tay huyện đảo, Thượng tá Nguyễn Duy Lai, Chỉ huy trưởng, Ban CHQS huyện Lý Sơn vừa đánh đàn vừa hát vang ca khúc “Về lại Lý Sơn” khiến chúng tôi rưng rưng nước mắt: … Tôi trở về thăm huyện đảo Lý Sơn. Vẫn rặng dừa xanh, vẫn mùa hành tỏi. Vẫn anh bộ đội canh giữ quê hương. Vẫn các em thơ cắp sách đến trường… Quê hương ơi dẫu còn gian khó. Chung một lòng cùng hướng đến tương lai…

Quỳnh Anh

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.